Mặt bằng có tính chất quyết định
Tại hội thảo “Tương lai bán lẻ Việt Nam” vừa tổ chức tại TP.HCM, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ trong nước đang có những biến động rất lớn bởi người tiêu dùng đang thay đổi với những xu hướng cập nhật liên tục. Ngành bán lẻ đang “đón tiếp” những đại gia có tên tuổi trên thế giới tham gia. Vì vậy tính cạnh tranh của những doanh nghiệp hoạt động trong mảng rất lớn.
Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển tốt, nâng thị phần, số lượng cửa hàng… Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần nâng cao phương pháp quản trị để cạnh tranh về phong cách, chất lượng phục vụ, cùng với đó là một thương hiệu đủ tầm để người tiêu dùng tin tưởng.
Theo bà Loan trong những yếu tố để đảm bảo sức cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ thì việc lựa chọn mặt bằng là việc đầu tiên và quan trọng nhất. Ở Việt Nam các doanh nghiệp bán lẻ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng mặt bằng kinh doanh bên trong các trung tâm thương mại bởi tính ổn định về thời gian thuê và giá thuê.
“Ở trung tâm thương mại, các doanh nghiệp bán nhiều loại mặt hàng tạo nên một quần thể tương hỗ lẫn nhau. Trung tâm thương mại cũng là một điểm đến đông đúc thu hút người dân nên sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng cho các đơn vị bán lẻ” chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nói và cho biết thêm trung tâm thương mại còn có một số thế mạnh nhất định đó chính là những tổ hợp xung quanh, doanh nghiệp không đứng đơn lẻ hay cô độc một mình trên phố.
Bà Trần Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing Vincom Retail cho biết, nắm được “sơ thích” của công ty bán lẻ có xu hướng thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại nên trong năm 2018 đơn vị này đã mở thêm 20 trung tâm.
Hiện Vincom Retail có 66 trung tâm thương mại tại 38 tỉnh, thành phố trên cả nước và đón gần 160 triệu lượt khách hàng. Tổng diện tích bán lẻ là 1,6 triệu m2. Trong năm 2019, Vincom Retail sẽ phát triển thêm 13 trung tâm thương mại mới, nâng tổng số trung tâm thương mại trên cả nước của doanh nghiệp này là 79 trung tâm.
Nắm bắt được xu hướng
Theo bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc Công ty CBRE châu Á, 90% những người mua sắm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam sẽ mua nhiều hơn nếu họ đến cửa hàng thực thể (cửa hàng offline) nhận những mặt hàng đã đặt trực tuyến. Các cửa hàng thực thể này nên được đầu tư có vị trí thuận tiện để kết nối với người mua.
Khách hàng hiện đại thích đặt hàng online nhưng mong muốn được đến tận cửa hàng để chạm, sờ, cảm nhận sản phẩm trước khi nhận hàng. Các thương hiệu lớn và cả các nhà kinh doanh trực tuyến lớn trên thế giới như Everlane, Amazon, Habitat… đều mở cửa hàng thực thể.
Xu hướng hiện nay các nhà bán lẻ trực tuyến mở các cửa hàng thực thể để trưng bày, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp hãy nắm bắt và áp dụng công nghệ tại cửa hàng và đừng quan tâm quá nhiều đến cái nhập chuột.
Ông Chris Dobson, Phó Chủ tịch Viện thiết kế Bán lẻ nhận định, dù nền tảng công nghệ đã phát triển và được ứng dụng ngày càng đa dạng vào thị trường bán lẻ nhưng truyền miệng vẫn là kênh phân phối nặng ký. Các trao đổi của chính khách hàng với nhau sau khi trải nghiệm tại cửa hàng sẽ được kể lại cho bạn bè, người thân và điều đó giúp việc mua sắm sôi động hơn. Vì vậy doanh nghiệp cũng lưu ý đến xu hướng bán hàng 4.0 kết hợp với truyền miệng.
Ngoài ra các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng bán lẻ theo chuỗi và trải nghiệm thực tế cũng là những xu hướng đã và đang làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam “bùng nổ”.
Áp dụng công nghệ
Bà Dymfke Kuijpers, đối tác cấp cao phụ trách mảng bán lẻ toàn cầu của McKinsey cho biết có 6 xu hướng mới về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong trung tâm thương mại gồm: ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến ngày càng mờ đi, công nghệ mới và Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho các bên thắt chặt quan hệ, người dùng kỹ thuật số kỳ vọng tăng sự trải nghiệm, xu hướng hợp tác mới giữa nhà chủ mặt bằng và người thuê, từ kênh phân phối đến thương hiệu, các mô hình kinh tế có khả năng phát triển.
Theo bà Bà Dymfke Kuijpers những nhà bán lẻ xây dựng ứng dụng (App), tặng điểm thưởng cho khách hàng của mình… nhằm giúp mối quan hệ ngày càng thêm chặt chẽ hơn. Trong khi đó công nghệ mới cũng tác động mạnh mẽ đến hiêu quả vận hành và marketing của nhà bán lẻ, giúp họ đạt được hiệu quả cao hơn.
Ví dụ như Uniqlo có thể tạo ra 600 phong cách khác nhau cho khách hàng chỉ với 1 chiếc tai nghe. Chiếc tai nghe này tương tác với xung nhịp của não, đọc được suy nghĩ của khách hàng để tổng hợp thông tin, sau đó cho ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu, sở thích.
Chính từ sự ứng dụng công nghệ mới đã giúp hãng có được những khách hàng trung thành cũng như thu hút được khách hàng tiềm năng.
Hay như Nike với thiết kế cửa hàng sáng tạo, người tiêu dùng có thể chơi game để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, Prada có robot ngay tại khu trải nghiệm sản phẩm để giới thiệu cho khách hàng, Gucci xây dựng cửa hàng như một thư viện để khách hàng chạm đến văn hóa đến thời trang…
Còn theo bà Patricia Marques – Tổng giám đốc Starbuck Vietnam thì Starbuck Vietnam chưa tham gia hoạt động thương mại điện tử. Thay vào đó, Starbuck Vietnam thực hiện việc đổi mới, thích ứng với khách hàng bằng trình bày đồ uống, chất lượng phục vụ, cải tiến Menu.
Hiện nay, bắt đầu có những khách hàng yêu cầu giao hàng, vì vậy các cửa hàng mới của chúng tôi đã có những đổi mới để phù hợp với xu hướng. Starbuck Vietnam sử dụng những ứng dụng, thẻ thông minh để gắn kết hơn nữa với khách hàng.
Các chuyên gia dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển với GDP tăng trưởng ổn định mức 5% trong 10 năm qua, cao nhất trong khu vực các nước ASEAN, doanh thu bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên đến 11,9% tới thời điểm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.
Theo The LEADER