Trong bối cảnh chung, thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… vẫn đạt được tăng trưởng dương, hơn 9%.
Kênh phân phối hiện đại này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường tiêu dùng trong năm 2021 cũng như thời gian tới.
Đạt tăng trưởng dù tất cả kịch bản đều lỗ
Nói về năm 2020, ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đó là năm hết sức khó khăn cho nhà bán lẻ Việt Nam. Không chỉ dịch bệnh mà thiên tai, lũ lụt cũng đã kéo sức mua của thị trường giảm sút nặng nề. Thế nhưng, kế hoạch kinh doanh của hệ thống vẫn có lãi dù không đạt mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn, niềm tự hào của hệ thống bán lẻ này là hơn 18.000 cán bộ, nhân viên không bị mất việc và lương không hề bị giảm.
Không chỉ đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt, Saigon Co.op tiếp tục phát triển thêm nhiều cách thức thanh toán tiện lợi mới, phù hợp với xu hướng “Không tiền mặt” thời gian qua. Theo dự kiến trong năm 2021, nhà bán lẻ sẽ tung ra loại thẻ “ATM” thay thế các voucher mua hàng truyền thống. Với loại thẻ này, khách không nhất thiết phải mua hết số tiền trong thẻ như với các phiếu mua hàng trước đây mà có thể sử dụng theo nhu cầu. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng hướng đến phát hành các e-voucher, tích hợp dễ dàng trên điện thoại. |
“Ngay từ khi dịch bắt đầu diễn ra, ban lãnh đạo Saigon Co.op đã xây dựng ít nhất 4 kịch bản khác nhau để thích ứng với hoàn cảnh mới. Điều “thú vị” là tất cả các kịch bản được đề ra là không có lời. Nhưng kết thúc năm 2020, chúng tôi đã có lãi. Đặc biệt trong mùa Tết vừa qua, Saigon Co.op tiếp tục cho thấy vị thế dẫn đầu, tung hàng bình ổn kịp thời, góp phần cùng người dân sắm Tết tiết kiệm an toàn. Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ”
Ngay tuần đầu tiên của tháng 1-2021, sức mua hàng hóa trong toàn hệ thống đã tăng tới gần 40% so với tuần trước đó. Doanh thu tăng trưởng cao ở khá nhiều ngành hàng thiết yếu, từ thực phẩm tươi sống và chế biến, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp đến hàng may mặc. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food còn tiến hành giảm giá, khuyến mãi, tặng điểm thưởng liên tục cho khách hàng đến hết trưa ngày 30 Tết.
Theo ông Đức, sức mua trong tháng tết năm nay đã vượt hai con số, tuy nhiên, nhờ chuẩn bị nguồn hàng tăng tới 40% so với cùng kỳ, dù sức mua tăng bao nhiêu, đơn vị này vẫn đủ khả năng cung ứng hàng hóa giá ổn định.
“Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ có một văn phòng mới trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), điểm đặc biệt của văn phòng là sẽ dành một không gian lớn cho các hoạt động giải trí như tập yoga, quầy cà phê… cho nhân viên. Tạo dựng một môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên, người lao động luôn là mục tiêu chúng tôi hướng tới”, ông Anh Đức chia sẻ.
Nắm bắt xu hướng thị trường
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam, bức tranh bán lẻ năm 2020 đang thay đổi rất nhiều, đặc biệt là chân dung người mua hàng, điều này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021.
Khảo sát của đơn vị này cho thấy những hộ gia đình có thu nhập 6 triệu đồng trở xuống bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những nhóm khách trung lưu có thu nhập từ 8 đến 20 triệu đồng cũng buộc phải điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống. Chỉ riêng nhóm thu nhập cao không chỉ co cụm lại mà thậm chí chi tiêu nhiều hơn do nhiều khoản chi tiêu trước đây cho du lịch, nghỉ dưỡng không còn do dịch COVID-19.
“Trong bối cảnh chung, thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng vẫn đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020 và hệ thống phân phối này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2021 cũng như tương lai gần”, ông Dũng đánh giá.
Trong kênh siêu thị, Saigon Co.op với sự đa dạng của mô hình phân phối vẫn giữ được thị phần dẫn đầu, trong đó chỉ riêng mảng chăm sóc sức khỏe cá nhân, hệ thống Saigon Co.op đã giữ 74%.
Theo ông Dũng, đây chính là điểm mạnh nhưng cũng là thách thức bắt buộc Saigon Co.op phải xác định được lợi thế của mình trên mỗi mô hình.
Ông Nguyễn Anh Đức thừa nhận, dịch đã làm cho thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ ràng hơn. Ở mặt tích cực, nó giúp cho các nhà bán lẻ biết được rõ và tập trung hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, tốc độ chuyển biến của nhóm khách hàng cao cấp diễn ra gấp 4-5 lần so với những năm trước. Đó là lý do vì sao trong năm 2021, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh hình ảnh mới gắn với chuỗi siêu thị cao cấp Finelife tại các thành phố lớn để phục vụ khách hàng có điều kiện tiên tiến hơn, hiện đại hơn.
“Ở Finelife, chúng tôi tích hợp những lựa chọn cao cấp hơn về hàng hóa, dịch vụ, nền tảng hạ tầng và công nghệ hóa, số hóa cũng được tính toán phát triển ngay từ đầu”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Finelife sẽ được thúc đẩy phát triển nhanh chóng với ba mô hình con để phù hợp với từng địa điểm khác nhau, bao gồm Finelife “supermarket”, Finelife “food store” và Finelife “food corner”. Sự linh hoạt này để khởi động cho chiến lược trong vòng 3 năm tới, Saigon Co.op có 100 siêu thị chuyên về hàng cao cấp trên thị trường.
Theo Hải Kim/ Tuổi Trẻ