Khảo sát đánh giá về xu hướng bán lẻ đa kênh tại Việt Nam do Kantar Worldpanel thực hiện vừa công bố cho thấy xu hướng này đang tăng trưởng tốt trong môi trường mới.

Tăng trưởng đến 91%

Kantar Worldpanel đưa ra bức tranh cận cảnh vào thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh, thuốc không kê đơn và hàng tiêu dùng khác…) tại nhà ở Việt Nam với mức tăng cực khủng, đến 91% từ kênh thương mại điện tử; kế đến là các siêu thị nhỏ/cửa hàng tiện lợi tăng 36,3%; mô hình chuyên doanh tăng 14,3%.

Theo Kantar Worldpanel, 3 kênh mua sắm này đang tăng trưởng nhanh hơn so với trung bình thị trường hàng tiêu dùng nhanh dù chỉ chiếm nhỏ hơn 16% giá trị thị phần nhưng lại đóng góp đến 66% giá trị tăng thêm. Đơn vị này dự báo đến năm 2025, 60% hộ gia đình Việt tại khu vực thành thị sẽ mua sắm trực tuyến đối với hàng tiêu dùng nhanh vào lúc rảnh rỗi, đặc biệt thông qua điện thoại thông minh trên các nền tảng mạng xã hội.

Như vậy, thương mại đa kênh (thương mại điện tử, siêu thị nhỏ/cửa hàng tiện lợi, mô hình chuyên doanh…) trong tương lai sẽ dẫn dắt tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ và có tiềm năng lớn để phát triển trong vài năm tới.

Kết quả khảo sát đã lượng hóa thực tế chung là các doanh nghiệp (DN), cửa hàng… đã sử dụng đa kênh để tiếp cận khách hàng nhanh, nhiều hơn thay vì bán hàng trực tiếp trên một kênh truyền thống như trước đây. Giới kinh doanh đã nhanh nhạy tận dụng tốt website công ty hoặc cửa hàng, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…), các sàn thương mại điện tử (Lazada, Tiki, Adayroi, Sendo, Shopee…) và cả các diễn đàn để quảng cáo tiếp thị, bán hàng trực tuyến.

Sapo (nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh tại Việt Nam) từng khảo sát hơn 5.000 chủ cửa hàng bán lẻ và thống kê đến 97% cửa hàng bắt đầu thực hiện đa kênh bán hàng trong năm 2018. Cụ thể, 97% chủ shop cho biết đang bán hàng từ 2 kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau. Hơn 39% chủ shop cho biết nguồn thu từ các kênh online chiếm hơn 50% tổng doanh thu bán hàng trong năm. Facebook được sử dụng để bán hàng nhiều nhất và hiệu quả nhất trong khi các sàn thương mại điện tử được đánh giá là kênh đặt cửa hàng hiệu quả nhất.

Chưa ai có lãi từ bán online

Thị trường đã chứng kiến không ít thương hiệu “làm nên chuyện” nhờ nắm bắt và tận dụng được xu hướng mua sắm đa kênh. Trong lĩnh vực thời trang, Juno, Vascara, Biti’s nổi lên với độ nhận diện thương hiệu rộng, doanh thu tăng trưởng tốt; trong lĩnh vực điện tử có Thegioididong, FPT… Trong đó, Juno là điển hình thành công khi đang sở hữu lượng tương tác khổng lồ trên Facebook lẫn Zalo nhờ những quảng cáo sáng tạo, bắt kịp xu hướng. DN này đã bắt đầu xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh từ năm 2016, đang đặt mục tiêu phát triển cửa hàng truyền thống song song với các nền tảng online nhằm phục vụ bán lẻ đa kênh.

Trước sức ảnh hưởng khá lớn của bán lẻ đa kênh, các DN bán lẻ truyền thống không thể đứng ngoài cuộc bởi xu hướng mất khách trực tiếp ngày càng rõ nét, không chỉ trong các ngành phi thực phẩm mà đã lấn sang ngành hàng thực phẩm. “Mặt bằng bán lẻ đang thay đổi, mua sắm online sôi động hơn trong khi mua sắm truyền thống vắng dần. Thực trạng đó buộc các nhà bán lẻ phải sáng tạo hơn để giữ khách trong khi một nhóm DN sẽ đẩy mạnh mảng online” – lãnh đạo một DN bán lẻ lớn tại TP HCM cho biết.

Tuy nhiên, đầu tư phát triển bán lẻ đa kênh là cuộc chơi khá tốn kém, buộc các DN phải “liệu cơm gắp mắm”. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay đến thời điểm này chưa DN bán lẻ nào có lãi từ mảng bán hàng online dù phải đầu tư rất lớn. Mặc dù vậy, DN buộc phải tham gia để không bị lạc hậu. Bản thân Saigon Co.op với nguồn lực hiện hữu chưa thể đẩy mạnh online một cách thực thụ mà chủ yếu mang công cụ online vào offline song song với phát huy lợi thế nền tảng khách hàng truyền thống.

Cụ thể, Saigon Co.op cung cấp những trải nghiệm online cho khách hàng qua ứng dụng Scan & Go đồng thời hợp tác với DN vận tải công nghệ để thực hiện giao hàng, kể cả thức ăn. “Chúng tôi thận trọng trong đầu tư vào bán lẻ đa kênh vì nếu đầu tư không tới sẽ dẫn đến đuổi hình bắt bóng” – ông Nguyễn Anh Đức giải thích thêm. 

Khó duy trì tăng trưởng

Theo các chuyên gia bán lẻ, xu hướng bán hàng đa kênh đặt ra cho các cửa hàng bán lẻ nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức. Một lượng lớn cửa hàng, DN hoạt động đa kênh trên 3 năm không có tăng trưởng hoặc tình hình kinh doanh năm sau tệ hơn năm trước. Đa số các cửa hàng có tỉ lệ tăng trưởng mạnh trong vài năm đầu nhưng lại khó giữ được tốc độ từ năm thứ 3. Điều này cho thấy duy trì tăng trưởng là thách thức của các chủ cửa hàng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Phương An/ NLĐ