Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2/2020, chi tiêu của người dân vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35%-70%.

Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Đơn vị vận chuyển Grab nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng.

Đây là những động thái thích ứng rất nhanh với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ.

Thị trường bán lẻ trực tuyến tăng trung bình 39% trong 5 năm, cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống trung bình 10% trong 5 năm.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE (Việt Nam) cho biết, tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch.

Trong đó, các sản phẩm từ tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm như xe hơi, hoặc các dịch vụ như tham quan viện bảo tàng, tham quan bất động sản… đều có thể sử dụng được nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Với những diễn biến trong quý vừa rồi cho thấy, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển hơn nữa. Trong đó, lượng dân số trẻ dồi dào và hơn 70% dân số kết nối Internet, là một mức cao so với thế giới và Châu Á.

“Đầu tư vào nền tảng công nghệ, bán hàng đa kênh sẽ trở thành xu hướng mới thiết yếu đối với các nhà bán lẻ”, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, nhận xét.

Nguồn: baodauthau.vn