Tháng 3/2022, hoạt động thương mại dịch vụ tăng 9,4% so với cùng kỳ
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).
Nhìn chung, “hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4-11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm (từ 3,6 – 4,9%)”, Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
Đối với công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa: Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, khôi phục hoàn toàn hoạt động các chợ truyền thống, đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu.
Từ giữa tháng 3, giá một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và một số hàng hóa có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, từ đó, góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Trong khi đó, để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, ngày 22/02/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp trực tiếp và trực tuyến do Bộ trưởng chủ trì với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.
Ngày 24/02/2022, đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 nhằm bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch) để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Trong khi đó, công tác điều hành giá xăng dầu trong nước luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương – Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 -1.500 đồng/lít (tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, ttiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời
Bộ Công Thương cũng dự báo, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn.
Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng. Triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên, thời gian tới, thương mại trong nước cũng gặp khó khăn, do nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá
Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung các hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân, tạo tâm lý ổn định cho người dân và thị trường.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 của Bộ Công Thương để có sự điều hành phù hợp.
Nguồn: Kinh tế và Dự báo