Liên tục nâng cấp hạ tầng

Trong nửa đầu năm 2018, sau sự kiện nổi bật là tổ chức thành công Chợ hoa Xuân Bình Điền 2018, Ban Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền đã tiếp tục lấy đà hướng đến hoàn tất các mục tiêu cho năm 2018. Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, công tác quản lý, đặc biệt là quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của chợ Bình Điền tiếp tục được kiểm soát nghiêm ngặt, nhằm thực hiện đúng vai trò “đầu lọc” các sản phẩm đảm bảo. Trong đó, 100% heo vào chợ Bình Điền đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc với các thông tin cơ bản: trang trại xuất chuồng, mổ ở lò nào, được xuất vận chuyển đến Bình Điền lúc mấy giờ. Theo Ban quản lý chợ Bình Điền, trên thực tế, Dự án đeo vòng truy xuất cho heo hiện mới dừng ở giai đoạn I. Dự kiến, ngay khi nhà lồng thịt heo mới hoàn thành trong tháng 7, giai đoạn II của Dự án đeo vòng truy xuất cho heo sẽ triển khai. Theo đó, thông tin truy xuất của heo sẽ được bổ sung đầy đủ ngay từ lúc mới ra đời.

Theo kế hoạch năm 2018, mục tiêu của Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền là đạt doanh thu 416 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 209 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền tiếp tục tăng trưởng: doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng 18,03%, doanh thu tự doanh tăng 71,33% so với thời điểm cùng kỳ. Về lợi nhuận, ước 6 tháng đầu năm tăng 20,97% so với thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 và bằng 50,12% kế hoạch 2018.

Bên cạnh điểm mới nổi bật nhất là hoàn tất và sắp đưa vào sử dụng trong tháng 7 nhà lồng thịt heo mới, trong 2 quý đầu năm 2018, Ban quản lý Chợ Bình Điền đã triển khai hoàn tất việc sắp xếp lại các khu vực ô vựa kinh doanh và đồng thời, liên tục sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các hạ tầng cần thiết phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thương nhân tại chợ.

Cụ thể, chợ Bình Điền đã cơ cấu lại khu nhà lồng D thủy sản, phân chia thành các khu chuyên doanh ngành hàng nhỏ chuyên biệt. Vì tốc độ phát triển các ngành hàng nhỏ này ở chợ Bình Điền rất nhanh. Vì như cách đây 10 năm, ngành cua ở chợ Bình Điền tương đối nhỏ, tuy nhiên đến nay, chỉ riêng mặt hàng này mỗi đêm đã  tiêu thụ đến gần 20 tấn hàng. Vì thế, các phân khu mới sẽ giúp thuận tiện hơn cho cả người mua hàng lẫn thương nhân. Tính đến thời điểm này, Bình Điền đã quy hoạch hoàn chỉnh khu tôm và nghêu sò ốc trong khu nhà lồng D ngành hàng thủy hải sản và hiện đang hoàn chỉnh khu chuyên kinh doanh về cua.

Trong năm 2018, công trình phụ trợ là khu sơ chế cho toàn chợ cũng sẽ được hình thành. Công trình đang triển khai với diện tích khoảng 1.000 m2 và dự kiến hoàn tất trong 3 tháng tới. Với khu sơ chế chung, thương nhân sẽ được thuê chỗ để tổ chức sơ chế các mặt hàng trước khi đóng gói, vận chuyển. Việc này hạn chế được tình trạng “sốc” tải trọng đối với hệ thống xử lý nước thải nhờ các bã thải đã được lọc qua một lần, và việc thu gom rác thải cũng nhẹ nhàng hơn do đã tập trung lại một chỗ, chứ không còn sơ chế rải rác khắp nơi như hiện nay.

Một trong nhiều nỗ lực xuyên suốt của chợ Bình Điền là tối ưu hóa chi phí vận hành mà vẫn duy trì tốt dịch vụ đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của thương nhân. Cụ thể, chợ Bình Điền đã bắt đầu thực hiện phương án tận dụng nguồn nước mưa sử dụng cho các hoạt động tại chợ. Với lợi thế là có đến 5 mái nhà lồng diện tích 2 hécta, hệ thống máng xối, mái hứng nước có thể giúp chợ tiết kiệm một lượng nước sạch cho hoạt động sơ chế sản phẩm. Một dự án khác đang được tính đến là lắp hệ thống năng lượng mặt trời trên mái để tạo điện năng. Theo tính toán, nếu được thực thi sẽ mang lại hiệu quả lớn do lượng điện năng lượng mặt trời tạo ra thậm chí còn lớn hơn nhu cầu của chợ.

Hướng đến phương thức kinh doanh hiện đại

Theo ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, mục tiêu chung của chợ đầu mối Bình Điền là hướng đến mô hình chợ hiện đại và văn minh hơn. Việc cơ sở hạ tầng chợ liên tiếp được Tổng Công ty nâng cấp, cũng như công tác quản lý, cung cứng dịch vụ, vận hành chợ được chú trọng nâng chất đều hướng đến tạo nền tảng cho hoạt động của chợ đi theo hướng hiện đại và “nâng chất” hoạt động kinh doanh của thương nhân. Điển hình sau khi nhà lồng thịt heo mới được hoàn thành, không chỉ điều kiện kinh doanh thay đổi mà thói quen kinh doanh của thương nhân trong nhà lồng cũng sẽ phải theo những quy định mới của LIFSAP.

“Tương lai chợ đầu mối Bình Điền sẽ trở thành sàn đấu giá giao dịch sản phẩm”, ông Tsàn A Sìn phân tích lý do Bình Điền vẫn đang nỗ lực tạo ra các quy chuẩn kinh doanh hàng hóa dựa vào chất lượng và tiêu chí thay vì uy tín như phương thức kinh doanh  truyền thống: “Hàng hóa muốn lên sàn phải có tiêu chuẩn kích cỡ, tiêu chuẩn an toàn (dựa vào truy xuất nguồn gốc), thống nhất về bao bì…”. Và với tham vọng dần thay đổi để tham gia cuộc chơi lớn, không cách nào tốt hơn là gia nhập cuộc chơi, trở thành người trong cuộc. Vì thế, chợ Bình Điền đã triển khai hoạt động tự doanh với mục tiêu trở thành một nhà cung cấp lớn về hàng hóa. Hoạt động tự doanh bắt đầu từ năm 2016, hiện đã triển khai trên một số mặt hàng trái cây và rau củ quả. Trong năm 2017, hoạt động này đem về doanh thu khoảng 300 tỷ đồng và mục tiêu trong năm 2018 là 360 tỷ đồng. Khách hàng của chợ Bình Điền đa dạng từ hệ thống khách sạn cao cấp đến trường học, công ty liên doanh… Nhờ lợi thế là nằm ngay trung tâm nguyên liệu là chợ Bình Điền, hoạt động tự doanh có lợi thế khi cung ứng được lượng hàng lớn, việc lựa chọn nguồn hàng thô và sơ chế theo đúng yêu cầu khách hàng được đáp ứng. Từ yêu cầu của khách hàng, Bình Điền yêu cầu ngược lại các bên cung cấp phải đảm bảo nguồn hàng đạt tiêu chuẩn an toàn và các chuẩn riêng cụ thể của từng khách hàng, từ đó nâng cao ý thức của các bên cung cấp hàng hóa về tiêu chí chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, “việc Bình Điền tự doanh không có nghĩa là cạnh tranh với thương nhân”, ông Tsàn A Sìn cho biết. Hiện nay, nhiều mặt hàng Bình Điền trở thành nhà phân phối cho thương nhân tại chợ nhờ khả năng vốn lớn để đáp ứng chi phí nhập hàng nguyên container, vận tải, thông quan, kho bãi… Từ đó, giá phân phối hàng cho thương nhân thấp hơn thị trường. Những mặt hàng chỉ có một số thương nhân kinh doanh, không đủ sức bao hết khâu nhập về, chợ Bình Điền sẽ đứng ra nhập hàng và bán lại cho thương nhân. Mặt khác, hoạt động tự doanh, tự chủ nguồn hàng, giúp Bình Điền một phần kiểm soát được nguồn cung, nhờ đó hỗ trợ cơ quan chức năng và TP.HCM trong việc điều tiết giá cả, tránh tình trạng giá cả sản phẩm đột biến trong thời gian ngắn.

Mục tiêu lớn của Bình Điền là dần tạo điều kiện hình thành mô hình các sàn đấu giá, giao dịch thực phẩm. Không chỉ đối với mặt hàng trước mắt là thịt heo, mà ngay cả với những dự án tương lai như nhà lồng trái cây mới, mô hình kinh doanh hiện đại với kho lạnh trung chuyển và phương thức kinh doanh mới cũng đã được tính toán để hướng đến mục tiêu chung của chợ Bình Điền – trở thành mô hình kinh doanh chợ hiện đại và văn minh.

Uyên Linh