Xí nghiệp rau củ quả giúp Satra cung ứng đủ nguồn hàng

Tổng Công ty thương mại Sài Gòn – TNHH MTV Satra có các cửa hàng Satrafoods cung ứng hơn 4.000 mặt hàng thực phẩm từ trái cây, rau củ quả, thịt cá tươi sống đến các loại thực phẩm chế biến, đông lạnh chất lượng cao, cũng như các mặt hàng chuyên phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân trên địa bàn TP.HCM.

Đặc biệt là trong thời gian dài TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, Satrafoods đã đem đến nguồn thực phẩm theo tiêu chí “Hàng tận gốc, tươi mỗi ngày” luôn đảm bảo cung cấp các thực phẩm tươi, mới có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Phạm Thị Vân, Trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra, trong đợt dịch vừa qua, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, khối bán lẻ của Satra gặp không ít khó khăn như một số nhân viên nhiễm Covid-19 khi phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, khiến nguồn nhân sự bị thiếu hụt.

Bà Vân nhìn nhận, riêng ngành nông sản, Satra cũng gặp không ít khó khăn, do thời gian đầu nhân viên cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, các nhà cung cấp cũng bị nhiễm Covid-19, nên không cung cấp đủ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống, cùng với sự phối hợp với các đơn vị bên ngoài về công tác nhân sự, cũng như nguồn cung ứng, đã giúp Satra đảm bảo được đầy đủ nguồn cung ứng thực phẩm tới người dân.

Một trong những lợi thế của Satra là có hai xí nghiệp rau củ quả chuyên cung ứng nguồn hàng rau củ quả, đặc sản từ Đà Lạt và miền Tây (Cần Thơ), do đó nguồn hàng nông sản của toàn hệ thống không bị thiếu hụt.

“Sản lượng trong thời điểm giãn cách toàn TP.HCM, Satra dự trữ nguồn hàng từ 3-5 lần ngày thường. Mặc dù chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển, chi phí phòng dịch, nhưng Satra vẫn đồng hành cùng TP giữ giá để đảm bảo cho người dân mua sắm trong thời điểm này. Mặt khác, Satra phối hợp với địa phương và lực lượng đi chợ hộ, chủ động kết nối với người dân để xây dựng những Combo hàng thiết yếu tùy theo nhu cầu của khách hàng, tùy theo giá trị đơn hàng thông qua lực lượng đi chợ hộ. Ngoài ra, Satra cũng thực hiện nhiều kênh bán hàng online”, bà Vân cho hay.

Cũng theo bà Vân, Satra có những đơn vị sản xuất như Vissan chuyên cung ứng các mặt hàng đồ hộp, nguồn hàng thịt heo, chính vì vậy, nguồn cung trong thời gian giãn cách không bị đứt gãy. Với lợi thế có xí nghiệp rau củ quả, Satra có nhiều nhà cung cấp kết nối trực tiếp từ các tỉnh miền Tây, Đà Lạt để có nguồn dự trù cũng như tìm kiếm nhà cung cấp mới để cung ứng nông sản từ các tỉnh về thành phố.

“Satra rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm. Nhà cung ứng cung cấp cho toàn hệ thống Satra phải đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu là VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi sức khỏe người tiêu dùng là điều quan trọng nhất”.

Tại các đơn vị bán lẻ của Satra đều có bộ phận kiểm soát chất lượng đầu ra, còn đối với xí nghiệp rau củ quả – đầu vào thì có một bộ phận tiêu chuẩn thường xuyên lấy mẫu rau củ quả để kiểm tra giám sát an toàn. Tất cả hàng đầu ra/đầu vào đều phải đạt các tiêu chuẩn theo đúng quy định”, bà Phạm Thị Vân, Trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho hay.

Để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới, bà Phạm Thị Vân, Trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, Satra cũng đã dự trữ một lượng hàng lớn để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo bà Vân, năm nay có khác hơn so với mọi năm bởi thói quen của người tiêu dùng có khác đi, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, rau củ quả chất lượng…. “Chúng tôi đã có kế hoạch dự trữ tại kho tổng phân phối của toàn hệ thống Satra với sản lượng dự trữ gấp đôi ngày thường. Tổng mức hàng dự trữ khoảng 500 tấn tại kho. Mặt khác, ở thời điểm hiện nay, chúng tôi cũng đã chào danh mục hàng hóa dịp Tết cho các doanh nghiệp, địa phương khi có nhu cầu”, bà Vân thông tin.

Chủ động nguồn nông thủy sản trong mọi tình huống

Theo ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ngay khi làn sóng dịch Covid-19 chuẩn bị bùng phát, Saigon Co.op đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó tại gần 1.000 điểm bán qua hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM.

Về công tác chuẩn bị nguồn hàng, ông Sơn cho hay, nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng bình ổn giá, hàng khô, hàng đông lạnh đã dự trữ được một lượng lớn tại các kho trung tâm lên đến trên 600 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng nhu cầu cho thị trường trong 3-6 tháng. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng cơ bản có được nguồn cung với giá ổn định trong suốt thời gian cao điểm dịch.

Trong thời gian tăng cường giãn cách, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, Saigon Co.op đã tích cực triển khai cho các đơn vị trên địa bàn TP.HCM phối hợp với TP. Thủ Đức, các quận huyện trên địa bàn để thực hiện các giải pháp cung ứng hàng như tổ chức chuyển xe mua chung, cung ứng hàng hóa cho địa phương tổ chức bán hàng lưu động…

“Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Saigon Co.op đã đẩy mạnh triển khai Chương trình khuyến mãi kích cầu tháng 11 (từ ngày 4/11 đến 24/11) giảm giá nhu yếu phẩm, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng để tri ân người tiêu dùng cả nước kỷ niệm 25 năm thành lập và tích cực chuẩn bị nhiều giải pháp phục vụ cho cao điểm mua sắm Tết Nguyên Đán 2022”, Phó Tổng Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM Lê Trường Sơn thông tin.

Để chuẩn bị cho nguồn hàng dịp cuối năm, hàng năm, ngay từ những tháng giữa năm, Saigon Co.op đã tích cực phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-4 lần nhằm chủ động điều tiết giá hàng hóa Tết, giúp người tiêu dùng mua sắm Tết an toàn và tiết kiệm.

Liên quan đến giá các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng tăng, tại cuộc họp báo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 18/11, bà Nguyễn Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị nhìn chung ổn định.

Tuy nhiên, một số mặt hàng tăng giá như dầu, đường, xăng dầu, gas…. “Tình hình giá đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, chi phí phòng chống dịch tăng”, bà Ngọc nhận định.

Trên cơ sở đó, để bình ổn giá, thực hiện các giải pháp trong thời gian tới, bà Ngọc cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại, thì hàng hóa cung cấp đủ cho thị trường, kéo theo sự ổn định về giá cả.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TP.HCM cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành, đồng thời các chương trình bình ổn giá. “Sở Công thương sẽ có kiến nghị Bộ Công thương để sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo giá cả các mặt hàng ổn định trong tình hình bình thường mới”, bà Ngọc nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn