Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện đang là một trong những thị trường XK quan trọng của thủy sản Việt Nam. Trong đó, kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này đang có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ năm 2010, hầu hết các dòng thuế về 0% đã là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng XK cá ngừ của Việt Nam.
Trong giai đoạn trước năm 2010 khi ATIGA chưa có hiệu lực, XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN chỉ ở mức 1,6 – 6 triệu USD/năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, giá trị XK sang khối thị trường này đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2010, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã tăng 190%, từ mức 6 triệu USD của năm 2009 lên gần 17,5 triệu USD năm 2010. Và cho đến nay, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã tăng lên hơn 50 triệu USD.
Ngoài ra, về dài hạn, ATIGA có tác động gián tiếp làm tăng kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường ngoài khối ASEAN do được NK nguyên liệu đầu vào cho sản xuất XK với giá rẻ hơn từ các nước ASEAN. Mặt khác, với tư cách một thành viên của ATIGA, Việt Nam có điều kiện để khai thác những lợi thế mới trong quan hệ thương mại với nước lớn. Chẳng hạn, Việt Nam sẽ được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Mỹ (GSP). Tuy nhiên, việc xóa bỏ thuế quan cũng tạo ra nhiều thách thức cho các DN chế biến và XK cá ngừ của Việt Nam. Do ASEAN là một thị trường gần, có sự tương đồng về mặt điều kiện tự nhiên, nguồn lợi khai thác,… nên cơ cấu sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam với các nước ASEAN khá tương đồng. Trong khi quy mô và trình độ phát triển của ngành khai thác cá ngừ thua kém hơn, Việt Nam đang khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Indonesia, các nước này cũng được hưởng những lợi ích tương tự như Việt Nam. Do đó, tham gia ATIGA, Việt Nam tiếp tục phải chấp nhận cạnh tranh rất quyết liệt với các thành viên khác trong hiệp hội không chỉ trên thị trường khu vực, mà còn trên thị trường thế giới.
Hướng tới 1 tỷ USD
Cùng với cá tra, giá trị XK tôm của Việt Nam sang thị trường ASEAN khá ổn định trong thời gian gần đây do được hưởng những ưu đãi từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và những Hiệp định liên quan.
Tôm là nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong tổng XK thủy sản sang thị trường ASEAN. XK tôm Việt Nam sang ASEAN trong giai đoạn từ 2008-2018 tăng từ 24 triệu USD năm 2008 lên 58 triệu USD năm 2018. Bước sang năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường ASEAN có xu hướng giảm theo xu hướng giảm chung của tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường do giá tôm thế giới giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng. Tuy nhiên, tốc độ giảm ở mức thấp hơn so với mức giảm sâu của các thị trường NK chính khác. Quý I/2019, XK tôm Việt Nam sang ASEAN đạt 12,7 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện ASEAN đang là thị trường NK tôm đứng thứ 8 của Việt Nam, chiếm 2,1% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường.
Với nhiều lợi thế về thuế suất khi thực hiện các hiệp định thương mại, ASEAN đang được kỳ vọng là thị trường XK thủy sản tiềm năng, sẽ đạt con số 1 tỷ USD trong tương lai gần, giúp DN giảm phụ thuộc vào thị trường chính. Tuy nhiên, đây lại là thị trường chưa được doanh nghiệp Việt Nam chú ý đầu tư. “Các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc mở rộng xuất khẩu sang khối thị trường này, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính”, VASEP khuyến cáo.
Hiện Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời còn là nhà nhập khẩu lớn nhất về cá tra và có thể sắp tới sẽ là tôm. Trong thời gian gần đây, ASEAN nổi lên là thị trường tiềm năng giúp các DN Việt Nam giảm phụ thuộc. Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang 9 nước trong khối ASEAN với 3 nhà nhập khẩu lớn là Thái Lan, Philippines và Singapore. Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập tạo ra thị trường chung cho cả khu vực với mức thuế ưu đãi như nhau, đã tạo cơ hội cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam tận dụng để tăng xuất khẩu vào ASEAN. Dân số ASEAN dự kiến đạt 790 triệu người vào năm 2050, đẩy nguồn cung lương thực tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tiêu thụ thủy sản ước tính sẽ tăng lên 37 triệu tấn năm 2030. Sức tiêu thụ thủy sản theo đầu người dự kiến sẽ tăng từ 38,4kg/ người/năm lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030. Tuy nhiên, để phát triển thị trường một cách bền vững, DN cần tập trung vào chất lượng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo Báo Hải Quan