Từ những siêu thị vùng nông thôn cho tới trung tâm thương mại lớn tại New York, các điểm bán lẻ truyền thống trên khắp nước Mỹ đang trải qua những năm tồi tệ mà được nhiều nhà phân tích gọi là “tận thế của các cửa hàng bán lẻ truyền thống”.

Ngày tận thế của bán lẻ truyền thống?

Theo số liệu từ Fung Global Retail & Technology, năm 2017, có hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ tuyên bố đóng cửa, do doanh số sụt giảm và cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Kmart, Sears, JCPenney, Gap, Banana Republic, Teavana, Michael Kors, Bebe, The Limited, và Staples. Con số này vượt qua mức kỷ lục 6.163 cửa hàng đóng cửa trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Năm 2018, các nhà phân tích dự báo sẽ có thêm 3.800 cửa hàng nữa đóng cửa. Theo một báo cáo của Credit Suisse, khoảng 20 – 25% cửa hàng bán lẻ Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 5 năm tới. 

Theo số liệu từ BankruptcyData.com, tính đến tháng 6/2017, có hơn 300 hãng bán lẻ tuyên bố phá sản.

Nguyên nhân được nhận định do sự trỗi dậy của thương mại điện tử, thực trạng quá nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hay sự trở lại của các nhà hàng… Tất cả những điều này đang làm thay đổi bộ mặt của bán lẻ truyền thống Mỹ.

Nguyên nhân lớn nhất phải kể đến Amazon – đế chế thương mại điện tử đang thâu tóm thị phần bán lẻ ngày càng lớn.

Từ năm 2010 đến 2016, doanh thu tại Bắc Mỹ của Amazon đã tăng gấp 5 lần, từ 16 tỷ USD lên 80 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu năm 2016 của chuỗi gần 600 cửa hàng Sears’ chỉ là khoảng 22 tỷ USD. Đồng nghĩa trong 6 năm, Amazon đã phát triển bằng 3 lần Sears. Thậm chí, theo một số báo cáo, có tới 50% hộ gia đình Mỹ hiện có đăng ký dịch vụ trả phí Amazon Prime.

Chưa kể, mua sắm qua di động đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ thanh toán qua di động. Từ năm 2010, chi tiêu mua sắm qua di động đã tăng từ 2% lên 20%.

Xét đến nguyên nhân kế tiếp, Mỹ đang ngập trong các cửa hàng bán lẻ, với khoảng 1.200 trung tâm thương mại. Trong khi đó, chỉ một thập kỷ trước thôi, con số này khoảng 900. Từ năm 1970 đến 2015, số trung tâm thương mại tại Mỹ tăng nhanh gấp đôi so với dân số nước này, theo các nhà phân tích của Cowen & Company.

Diện tích cho thuê tại trung tâm thương mại trên đầu người của Mỹ nhiều hơn 40% so với Canada, gấp 5 lần Anh. Do vậy, không ngạc nhiên khi khủng hoảng kinh tế đã khiến lượng người tới mua sắm tại các trung tâm thương mại giảm 50%, từ 2010 – 2013, theo hãng nghiên cứu bất động sản Cushman & Wakefield, và tiếp tục giảm hàng năm từ đó đến nay.

Cuộc chiến Amazon và Walmart

Cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường bán lẻ Mỹ là giữa hai đại gia Walmart – bán lẻ truyền thống và Amazon – thương mại điện tử. Xét về doanh thu bán lẻ truyền thống tại Mỹ, Walmart vẫn là công ty thống trị, trong khi đó Amazon đứng đầu về doanh thu bán hàng trực tuyến. Trong bối cảnh ngành bán lẻ đang trải qua sự chuyển mình sâu sắc, cả Walmart và Amazon đều trở thành bản sao của nhau.

Walmart đang cố gắng chuyển sang bán hàng trực tuyến, còn Amazon lại đang lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống.

Năm ngoái, Amazon chi 13,7 tỷ USD thâu tóm chuỗi 450 cửa hàng thực phẩm Whole Foods trên toàn nước Mỹ. Đây là thương vụ chấn động ngành bán lẻ, và đánh dấu sự hiện diện của Amazon tại cửa hàng truyền thống.

Đầu năm 2018, Amazon khai trương cửa hàng Amazon Go đầu tiên tại trụ sở tại Seattle, và chuẩn bị mở thêm 6 cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Các cửa hàng này ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với các thuật toán nhận diện khuôn mặt, hình ảnh và đồ vật của Amazon, để theo dõi hàng hoá khách hàng lựa chọn, tự động tính tiền khi họ đi ra khỏi cửa.

Trong khi đó, Walmart đã bắt đầu thử nghiệm mô hình cửa hàng giảm số lượng nhân viên thu ngân từ cuối năm 2017. Website bán hàng của hãng này cũng được tích hợp giải pháp điện toán đám mây Azure của Microsoft, để tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Ngoài ra, hãng này cũng xây dựng nền tảng Internet vạn vật trên nền Azure, để định tuyến hàng nghìn xe tải trong chuỗi vận chuyển, tối đa hóa hệ thống điều hoà nhiệt độ và tủ đá, nhằm tiết kiệm năng lượng.

Để bắt kịp Amazon trong thương mại điện tử, chỉ trong năm 2017, Walmart đã tăng gấp 3 lần số mặt hàng trên website trực tuyến, từ 8 triệu lên 23 triệu. Nhờ đó, doanh số bán hàng trực tuyến của hãng này đã tăng vọt và ổn định.

Tương lai nào cho ngành bán lẻ?

Ngay chính các hãng thương mại điện tử cũng đang phải cạnh tranh với các loại dịch vụ và mô hình giá cả mới. Một website biết rõ về bạn hơn bất kỳ trợ lý mua sắm nào, cho phép đưa ra những gợi ý riêng tư chính. Giờ đây, khách hàng mua sắm trực tuyến có thể dễ dàng so sánh giá của các hãng bán lẻ. Ngoài ra, bên bán hàng cũng có thể tăng, giảm giá một cách nhanh chóng nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo để theo kịp các đối thủ.

Khách hàng sẽ vẫn mua một số loại hàng hoá như thực phẩm, thiết bị xây dựng… tại các cửa hàng. Nhưng nhiều cửa hàng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo chân khách hàng lên thế giới mạng, mở dịch vụ bán hàng trực tuyến của riêng mình, trong khi vẫn phải duy trì các cửa hàng truyền thống.

Trong ngắn hạn, việc này sẽ khiến các vấn đề của họ thêm trầm trọng. Xây dựng mô hình thương mại điện tử bên cạnh mô hình truyền thống vô cùng tốn kém. Họ cũng phải tạo ra các website và giao hàng tới từng khách hàng, thay vì để họ phải tới cửa hàng để lấy.

Một khi các phương tiện tự động trở nên rẻ, an toàn và nhiều hơn, các công ty bán lẻ và vận tải có thể sẽ mua hàng triệu chiếc. Và khi đó, những chiếc xe tự lái có thể là những cửa hàng.

Xe tự lái sẽ biến các cửa hàng bán lẻ trở nên lỗi thời ở một số khu vực. Những chiếc xe tự lái chứa đầy hàng hoá có thể đi lại trên các vùng ngoại ô cả ngày lẫn đêm, và sẵn sàng dừng trước cửa nhà của bất kỳ khách hàng nào đã đặt hàng qua ứng dụng di động. Mô hình này mang lại trải nghiệm tiện dụng mới mẻ và giải quyết vấn đề tắc đường, khiến các công ty ngày càng rút khỏi các trung tâm thương mại hay đóng cửa hàng bán lẻ truyền thống của mình.

Phương Anh/ Zing.vn

Ảnh đại diện: Mashable.