Nhà hàng nằm cạnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ, vốn nổi tiếng với khung cảnh đậm sắc Sài Gòn và hàng trăm món ăn đường phố đặc sắc như bánh mì hấp, bánh cuốn, bánh khọt, chả giò, bì cuốn… Một dạng fast food (thức ăn nhanh) đường phố riêng biệt của Việt Nam, không quá béo, không quá ngọt, không quá nhiều đạm…

Định gọi vài món quen thuộc vốn khoái khẩu từ nhỏ nhưng nhân viên nhà hàng giới thiệu hôm nay, nhà hàng có phục vụ buffet với giá 200 ngàn đồng/khách. Nghe giá thì quá hấp dẫn, khi ở một khung cảnh đẹp cạnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ, vật giá thuộc tầm mắc nhất Sài Gòn. Tiến thoái lưỡng nan vì một người mà nhẩn nha ăn buffet đến hai, ba giờ đồng hồ sao? Bỏ qua thì cũng uổng vì sợ không có dịp thử để biết buffet Hẻm 12! Không sao, một liều ba bảy cũng liều, ăn chứ có cái gì đâu mà sợ!

Ngồi ăn, gặm nhấm nỗi cô đơn

Tầng dưới cũng có nhiều người đang dùng buffet. Cảnh đi tới đi lui lựa chọn thức ăn cũng vui. Tôi chọn lên lầu, dẫu biết chắc sẽ vắng hơn nhưng không sao, hôm nay tập ăn buffet một mình để xem nỗi cô đơn… có dài hơn năm tháng, như lời bài hát qua giọng hát não lòng của cô ca sĩ quen thuộc vừa loáng thoáng nghe dưới sảnh.

Lướt qua trên mạng với từ khóa buffet, chắc chắn bạn sẽ thấy 80% bài viết về buffet đều khuyên không nên đi ăn buffet một mình. Với các lý do: dễ tủi thân do cô đơn, không ai trò chuyện, không ai bưng bê thức ăn giúp… nhất là khách nữ và khi một mình dễ ăn nhanh, ăn nhiều, dẫn đến có hại cho sức khỏe, bla, bla, bla!!!

“Nhà hàng Hẻm 12 đang chạy thử nghiệm buffet buổi trưa với giá cả vừa phải để vừa làm vừa điều chỉnh. Chúng tôi cố gắng tìm cho mình một nét riêng đặc sắc để khi khách đến ăn buffet cảm thấy hài lòng, thấy khác biệt và sẽ quay lại”. Khách hàng chính của buffet tại nhà hàng Hẻm 12 hiện nay là những người làm việc trong các tòa cao ốc quanh đó và khách đến mua sắm, dạo chơi trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ngoài ra, nhà hàng còn đón cả khách đoàn du lịch do các công ty du lịch đưa đến hoặc do khách đi ngang qua nhìn thấy.

Thực đơn buffet ở nhà hàng Hẻm 12 có hơn 300 món, mỗi lần tổ chức khoảng 40 món theo chuyên đề, ví dụ tháng 5 mùa hè, phải xây dựng thực đơn với các món ăn thanh nhiệt. Không gian ở nhà hàng theo phong cách tái hiện Sài Gòn xưa nên nhiều khách trung niên, khách Việt kiều rất thích. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang tính tới việc thu hút lớp trẻ đến đây thông qua thực đơn, không chỉ là món ăn đường phố đậm chất truyền thống mà còn đáp ứng được nhu cầu ẩm thực mới của lớp trẻ”…

Phạm Thị Anh Thoa, Phó GĐ phụ trách Trung tâm dịch vụ Ăn uống SATRA

Tất nhiên những lời khuyên ấy đều có lý, nhưng thế gian này dễ gì chiều được cả 9 tỷ người. Đời trái khoáy, oái ăm mới là đời, như tôi hôm nay chẳng hạn: Cô đơn trong một nhà hàng đẹp, nhiều món ăn ngon. Tôi tin rằng sẽ có lúc bạn cũng như tôi. Không sao, ăn ngon đứng đầu trong tứ khoái sẽ giúp bạn đẩy lùi nỗi niềm này.

Một vòng khảo sát các món ăn có thể thấy, buffet ở đây chọn các món ăn đậm chất dân gian truyền thống Việt Nam, ít món Tây. Có thể kể ra là: gỏi cuốn, bì cuốn, gỏi cuốn kiểu Thái Lan, ốc cà na rang muối, cơm cháy chà bông, cút chiên bơ, gà xiên que, heo tộc nướng, cua đồng rang, nghêu hấp Thái, gà nấu đậu Thượng Hải, mì Phúc Kiến, lưỡi heo rô ti, gỏi gà, gỏi bò, gỏi tôm thịt, gỏi đu đủ, chè đủ món và bốn, năm món lẩu… Nhẩm đếm thực đơn cũng khoảng hơn 30 món.

Điểm nhấn đầu tiên là các món gỏi, hôm ấy có các món gỏi rau muống trộn bò, gỏi bắp chuối gà, gỏi đu đủ tôm thịt… Có thể nói, gỏi cũng đậm hương vị Việt vì Tây làm gì có rau muống, bắp chuối, đu đủ xanh. Bạn có thể chọn loại gỏi tùy thích, nhưng tôi chọn đầu tiên là gỏi đu đủ tôm thịt. Tưởng là mình tự chế biến, hóa ra một chị với chiếc áo trắng và chiếc nón trang phục bếp đích thân trộn gỏi giúp tôi, chứ không phải các em phục vụ bận áo màu nâu của nông thôn miền Bắc. Đầu bếp có khác, chị pha một tỷ lệ hợp lý đến không ngờ giữa sợi đu đủ, tôm thịt, một ít nước bóp gỏi, đậu phộng rang…

Nhẫn nha nhai cọng đu đủ giòn giòn. Một chút ngọt của vị tôm và thịt tươi mà nhắm mắt nghĩ đến đang dựa gốc rơm, nhìn thấy trái đu đủ xanh trên cây giữa trưa hè. Miền quê trong ký ức của tôi quá nhiều nên một chút gỏi đu đủ giữa chốn Sài Gòn đô hội, đông người xe cũng dễ nhắc đến kỷ niệm xưa. Lấy món gỏi thứ hai rau muống trộn bò, nhân tiện hỏi chị đầu bếp, chị bảo chỉ riêng món gỏi có khoảng hơn 30 loại, một lần tổ chức buffet có 3, 4 loại. Vậy là đi ăn buffet nơi đây khoảng chục lần mới biết hết các loại gỏi!

Hết gỏi là đến hải sản, một chút nghêu, một chút ốc, cua đồng rang, một con tôm nướng… Mỗi thứ một vài con, còn tôm hãy lựa con be bé vì đường ăn (chứ không phải đường sách) còn dài lắm… Nói chung, là dù tôi đã chọn cách ăn rất khoa học và rất biết điều tiết không ăn lấy no mà ăn lấy vị, nhưng chỉ mới một phần ba đoạn đường, nghĩa là chỉ mới 10 món đã muốn no ứ hự.

Lẩu một mình – một sáng tạo của ẩm thực đất Sài Gòn

Chọn một món cuối cùng là lẩu vì muốn biết ăn lẩu buffet ra sao. Thường trong thực đơn buffet các nhà hàng khác hiếm có món lẩu vì nhiều nguyên nhân như vật dụng phục vụ món lẩu lỉnh kỉnh (lò, lẩu) nhiều món đi kèm như rau, mì, gia vị… Trong một không gian chật hẹp, nhiều người đi tới, đi lui, tổ chức món lẩu nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, phỏng nước sôi… hơn bất kỳ một món nào khác.

lau-mot-minh-1

Thực đơn Buffet Hẻm 12 có từ 36 đến 40 món và được thay đổi hằng tuần.

Thấy cái vật chứa lẩu bé tẹo, gọi là vật chứa vì nó như cái tô bằng kim loại nhỏ, nhưng lại thực hiện chức năng của cái nồi. Gọi là tô cũng không đúng vì tô không dùng để nấu, mà gọi là nồi cũng… chắc sai, vì cái vật dụng này không có quai, có nắp. Nói vậy chứ cái tô, cái nồi gì cũng được miễn món lẩu bên trong đó ngon là được!

Thấy cái lẩu nhỏ chừng một người ăn ở buffet lẩu nhà hàng Hẻm 12, chợt nghĩ về khả năng sáng tạo và cung cách phục vụ chiều khách hết mình của quán xá Sài Gòn. Từ cái lẩu khá cao sang vốn thường chỉ có một cỡ dành cho bàn tiệc 8 – 10 người, lẩu dần dần trở thành món ăn đường phố với đủ thứ biến tấu: lẩu cá kèo, lẩu bò, lẩu gà lá giang, lẩu hải sản v.v. và v.v… Rồi cũng vì nhu cầu ăn lẩu phổ biến của thực khách mà dần dần nảy nòi lẩu nhỏ (dành cho 4 – 5 người ăn) lẩu cho 2 – 3 người và cuối cùng là lẩu một người, dành cho những người thích đi ăn một mình hoặc vì… cô đơn!

Khác với cách phục vụ món gỏi, người phục vụ sau khi nhận được yêu cầu của bạn liền “pha chế” và bạn chỉ mang món về bàn thưởng thức. Còn món lẩu, người phục vụ sẽ hướng dẫn bạn dùng cái “tô nồi” để bỏ vào đó loại nước lẩu mà bạn thích, như nước lẩu bò trong, đậm mùi bò và hương hồi; nước lẩu hải sản chua cay đậm đà mùi sả, mùi sa tế hay nước lẩu cua đồng trong vắt dậy mùi cua. Bạn mang cái tô nồi về bàn, nhân viên phục vụ sẽ cầm đến cho bạn cái bếp lò cũng nhỏ nhỏ, xinh xinh rồi đốt cồn, đặt cái tô nồi lên cho bạn. Trong khi chờ nước lẩu sôi, khách hàng có thể nhẩn nha đi lựa nguyên liệu. Cá, ốc, cua, tôm, mực,  bắp bò, thịt heo, thịt gà, đậu hủ, các loại rau, bùn, mì hoặc phở… Với cách ấy, bạn có thể là đầu bếp tài ba Yan Can Cook, tự sáng chế ra món lẩu cho mình, có thể chẳng giống ai nhưng bạn thấy tuyệt ngon, vì mình thích!

Tôi đã tự mình là đầu bếp nấu lẩu cho mình theo cách trên. Một mình làm, một mình ăn và tất nhiên, một mình “chịu trách nhiệm” về chất lượng của nó!

Buffet ở nhà hàng Hẻm 12 hôm ấy nhiều món ngon, nhưng tôi thấy cái nồi lẩu của tôi nấu là ngon nhất. Không tin, bạn hãy đến nhà hàng Hẻm 12 thử thách tay nghề của mình. Nhớ đi có đôi, nàng nấu một lẩu, chàng nấu một lẩu, rồi cùng nếm xem ai nấu ngon hơn nhé! Còn đi đông cả nhóm thì càng vui và nhà hàng càng vỗ tay.