Thay vì chỉ phục vụ cho khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị, giờ đây nhà kinh doanh đầu tư mạnh cho hệ thống bán hàng qua mạng. Những đơn vị không đủ sức để tự vận hành hệ thống giao nhận hàng riêng thì sẽ phải sử dụng dịch vụ cung cấp từ bên ngoài.

Việc tìm hiểu thông tin và đặt hàng qua online đang là phương thức được người tiêu dùng lựa chọn thay cho kiểu giao dịch xưa cũ. 

Từ số lượng ít ỏi với 5 doanh nghiệp giao nhận tham gia vào đầu những năm 2000 như VNPost, ViettelPost, DHL… đến nay thị trường giao nhận phục vụ thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển khá sôi động với sự tham gia của cả các tên tuổi lớn và những công ty khởi nghiệp.  

Ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành DHL eCommerce Việt Nam cho biết, dự báo tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2018-2022 tiếp tục ở mức cao. 

Hiện tại, chi phí dành cho khâu hậu cần của một đơn vị bán lẻ tại Việt Nam hiện tại chiếm từ 60-70%. Vì vậy, không thể thiếu yếu tố công nghệ để tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp. 

Một trong những yêu cầu bức thiết về đổi mới quy trình giao nhận là ngành bán lẻ tại Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ trong phương thức kinh doanh.

Theo đánh giá trong Chỉ số thương mại điện tử 2018 vừa công bố hồi tháng 3/2018, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực rất ngoạn mục. 

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng đến 35%. 

Kết quả còn có thể thấy qua khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu trên thị trường thì nhận được con số ấn tượng khi tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. 

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, dịch vụ giao nhận hiện nay đang rất sôi nổi, đặc biệt ở phân khúc giao hàng chặng cuối – từ trung tâm phân phối đến người tiêu dùng. 

Ngoài những tên tuổi trong ngành chuyển phát nhanh, thị trường còn tiếp nhận thêm những cái tên mới. Đặc biệt, với xu hướng startup đã có hàng loạt đơn vị nhảy vào như nShipS, AhaMove, giaohangso1.vn, tochanh.vn Zozoship.vn…

Lý giải cho việc lựa chọn chuyển phát nhanh cùng tham gia vào quy trình bán hàng, các chuyên gia cho rằng, phía người bán hàng cũng chịu nhiều áp lực giữ chân khách khi khách hàng của họ không nhận hàng được đúng cam kết. 

Cho nên, bằng mọi hình thức, người bán online phải đảm bảo cho mình phương thức vận chuyển tối ưu. Những trang thương mại điện tử đã phải cải tiến quy trình giao hàng, như tiki.vn để thu hút khách hàng đã phải giao hàng từ 24 tiếng thành sau 2 giờ.

Sự hấp dẫn của thị trường giao hàng nhanh còn thể hiện ở sự chạy đua của các ông lớn vốn ngoại. Theo đó, song hành cùng các doanh nghiệp nội địa, các đơn vị chuyển phát nước ngoài cũng không ngừng đầu tư nâng cấp dịch vụ. 

Điển hình như DHL vừa công bố sẽ cung cấp nhà bán lẻ trực tuyến Việt Nam các giải pháp giao hàng trong ngày nhanh chóng và linh hoạt. 

Với dịch vụ giao hàng trong ngày, thông qua nền tảng công nghệ DHL cung cấp cho người mua hàng có thể theo dõi quá trình vận chuyển, bổ sung các yêu cầu đặc biệt hoặc thay đổi lịch giao hàng. Dịch vụ này sẽ triển khai tại hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội.

Lý giải cho việc thiết kế thêm dịch vụ giao hàng nhanh tại Việt Nam, ông Charles Brewer, Tổng giám đốc điều hành DHL eCommerce cho rằng, với khoảng 30% dân số tại Việt Nam được dự đoán sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Ngoài ra, theo tâm lý, người tiêu dùng vẫn trông đợi vào dịch vụ giao hàng nhanh và chuyển phát trong ngày.

Câu chuyện giao thông tại hai thành phố lớn nhất cả nước là điều khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh lo ngại. Các doanh nghiệp hiện đang sử dụng nhiều phương thức giao hàng khác nhau bao gồm cả xe máy, xe đạp, đi bộ, xe tải và xe ô tô nhằm có thể tối đa hóa tốc độ vận chuyển trong tình trạng đô thị thường xuyên tắc nghẽn giao thông.

Lê Mây/ VnEconomy