Tăng hàng dự trữ, tìm nguồn cung
Chị Trần Thị Hương (chủ siêu thị mini trên phố Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu tăng cao đã khiến nhiều mặt hàng thực phẩm liên tục biến động. Mặc dù siêu thị cũng đang cố gắng kìm giá bán, tăng sản phẩm khuyến mãi nhưng khả năng trong tháng 7 sắp tới sẽ có thêm các nhà cung cấp khác đề xuất tăng giá bán với những mặt hàng thiết yếu.
Chị Trần Thị Hương chia sẻ: “Để hạn chế mức tăng giá bán, siêu thị cũng đã chủ động tăng 30% lượng hàng dự trữ trong 2 tháng sắp tới, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, đường. Ngoài ra, siêu thị gần đây cũng đã tăng khoảng 15% nguồn thực phẩm tươi sống để cung cấp hàng tuần cho người tiêu dùng”.
Theo nhiều nhà cung cấp tại các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Lotte mart, Winmart,… Việc tăng lượng thu mua sẽ giúp họ bán được mức giá tốt hơn và duy trì được giá bán ổn định nhờ lượng hàng dự trữ lớn.
Ngoài việc tăng lượng hàng dự trữ, những đơn vị này cũng chấp nhận giảm lợi nhuận để phối hợp với nhà cung cấp tăng cường các chương trình khuyến mãi 10 – 20% cho những mặt hàng có mức tăng giá cao như dầu ăn, nước mắm, gia vị, gạo, sữa…
Sau khi giá xăng dầu liên tục tăng và giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.FOOD) cũng đã làm việc với các siêu thị, nhà phân phối để tìm cách chia sẻ khó khăn này.
“Khi giá các nguyên liệu đầu vào còn tiếp tục tăng, DN sẽ ngồi lại trao đổi với nhà bán lẻ, các kênh siêu thị để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí bán hàng cũng như chiết khấu thương mại. Khi đó, hai bên sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của việc tăng giá xăng dầu lên giá sản phẩm” – ông Trương Chí Cường (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt) thông tin.
Bình ổn để không tạo mặt bằng giá mới
Trong thời điểm giá cả tăng, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhiều DN bán lẻ đang nỗ lực bình ổn, phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Tại Vissan, DN cũng đang tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm giảm giá thành sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết, để bù đắp chi phí sản xuất, nhiều DN nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, DN cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Bài toán thay đổi về chất (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp DN “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường đầu năm 2022 và dự báo cho cả năm, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022 sẽ có nhiều rủi ro.
Vì vậy, Bộ Tài Chính đã cam kết sẽ tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa.
Cụ thể, không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II/2022 để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
Vì theo quy định, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu giá bán sẽ thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5-10%. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng hoặc giảm từ 5% trở lên DN được đăng ký điều chỉnh giá bán bình ổn với Sở Tài chính.
Nguồn: