dự trữ hàng hóa cuoinam 2022 1
Doanh nghiệp kỳ vọng đột phá với thị trường tết Quý Mão 2023. Ảnh: T.D

Sẵn sàng cho mùa cao điểm

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng hóa phục vụ tết Quý Mão 2023. Tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một số dây chuyền đã “chạy” sản lượng cho mùa Tết. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan cho biết, Vissan đã chuẩn bị ngân sách 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo), tăng 30% so với mức thực hiện tết Nhân Dần 2022 cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Vissan cam kết đủ hàng trước và sau Tết với giá ổn định.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Văn Dũng, sau nhiều biến cố, người tiêu dùng vẫn đang tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa. Vì vậy, để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn…

Tương tự đối với một số mặt hàng như thủy hải sản chế biến, bánh kẹo, nước giải khát… các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao. Các công ty sản xuất – kinh doanh thịt, trứng gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, công ty tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp tết Quý Mão 2023. Theo bà Huân, tuy chưa dự kiến được giá bán lẻ nhưng công ty Ba Huân tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt, dự đoán từ nay đến Tết, giá trứng gia cầm sẽ không biến động. Sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 50% trong tháng chạp. TPHCM vừa điều chỉnh tăng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường, trong khi giá xăng dầu đang trên đà giảm, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm… là những yếu tố giữ ổn định giá trứng gia cầm trong thời gian tới.

Xoay xở trước khó khăn

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cùng với sự lạc quan về triển vọng kinh doanh quý 4/2022, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng năm cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Trong quý 4/2022, các doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh còn tốt hơn so với quý 3/2022 khi có tới 48,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực, 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tăng trưởng và phục hồi, nhưng theo các doanh nghiệp do tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn. Điều đó đòi hỏi các các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với các thách thức nhằm ổn định giá thành sản phẩm, nỗ lực lấp đầy các đơn hàng cuối năm.

Đại diện Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) thông tin, Nhật Bản là một trong những thị trường chính của GC Food nhưng hiện tại doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề đồng Yên giảm giá so với USD, dịch Covid-19 quay trở lại, khiến sức mua giảm sút. Kế hoạch ban đầu doanh nghiệp làm việc với đối tác là sẽ tăng trưởng sản lượng 30% nhưng hiện tại sức tiêu thụ chỉ bằng năm ngoái. GC Food đang phải nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giữ giá bán để ổn định thị trường trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Điều này khiến cho DN phần nào bị giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá, lạm phát, tăng lãi suất được xác định là những trở ngại chính đối với doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2022. Song nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gói hỗ trợ kinh tế có thể là một cú hích thuận lợi cho các doanh nghiệp, giúp giảm bớt những khó khăn, trở ngại. Điều quan trọng là từng doanh nghiệp phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20 – 30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước. Theo đó, Hiệp hội đã kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Thu Dịu

Nguồn: //haiquanonline.upcltd.com/doanh-nghiep-tang-toc-san-xuat-du-tru-hang-hoa-cuoi-nam-167874-167874.html