Doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh đo lường trên cả nước tại kênh thương mại truyền thống tiếp tục có sự thay đổi mạnh trong quý đầu tiên của năm 2018, giảm -1%.

Đây là nhận định của Công ty nghiên cứu Nielsen Việt Nam trong báo cáo mới nhất về tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh quý 1/2018.

Theo đó, báo cáo của Nielsen cho biết, sự sụt giảm doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên toàn quốc được thể hiện trong cả 6 nhóm ngành hàng lớn là thức uống, thực phẩm, các sản phẩm từ sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá.

Trong 6 ngành hàng này, chỉ có nhóm ngành hàng đồ uống và thuốc lá có tốc độ tăng trưởng dương, đạt 0,6%. Bốn nhóm hàng còn lại là chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm và sản phẩm từ sữa đều giảm sút.

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc điều hành bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ (Nielsen Việt Nam) cho biết, sự thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về dịp lễ tết kéo theo những thay đổi trong hành vi mua sắm trong dịp này được cho là giả thuyết lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm.

tieu-dung-nhanh

Doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý 1/2018 giảm -1%. (Nguồn: Nielsen Việt Nam)

“Người tiêu dùng có xu hướng đón một cái Tết đơn giản hơn bằng cách giảm bớt các công việc dọn dẹp, nấu nướng trong dịp Tết để tập trung dành thời gian cho những khoảnh khắc vui vẻ bên người thân và gia đình.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của chúng tôi thì mức tiêu thụ của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dịp Tết năm 2018 vẫn đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2017, thời điểm vốn được ghi nhận là đạt đỉnh tiêu thụ cao nhất trong lịch sử”, ông Dũng nói.

Đại diện Nielsen cũng đánh giá, những yếu tố ông vừa phân tích đồng nghĩa với việc vẫn còn các cơ hội đang bỏ ngỏ mà các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh có thể tận dụng để kết nối với người tiêu dùng trong các dịp lễ Tết và các dịp lễ khác để phù hợp với những thay đổi của người tiêu dùng.

“Năm 2018 được mong đợi sẽ là năm của những sản phẩm mang tính đổi mới/cải tiến. Theo quan sát của Nielsen, 3 tháng đầu tiên ra mắt sẽ là khoảng thời gian quyết định 70-80% thành công của sản phẩm. Và việc đưa sản phẩm ra thị trường như thế nào, ở những kênh phân phối nào sẽ quyết định thành công chứ không phải là các hoạt động quảng cáo hay những chiến dịch truyền thông”, ông Dũng cũng bổ sung thêm.

Mặt khác, báo cáo của Nielsen còn cho biết, xét về tốc độ tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh, kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị có mức tăng trưởng cao hơn so với kênh thương mại truyền thống ở đô thị.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại kênh hiện đại ở khu vực thành thị tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tốc độ tăng trưởng ngành hàng này ở kênh truyền thống tại thành thị lại giảm xuống 2,6% so với cùng kỳ.

“Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc mở rộng số lượng cửa tiệm, kênh thương mại hiện đại có tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với kênh thương mại truyền thống và chúng tôi hy vọng sự tăng trưởng này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018”, ông Dũng nhận định.

Theo thống kê của Nielsen, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2012. Số lượng cửa hàng chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Đáng chú ý hơn, các siêu thị mini (minimart) là kênh bán hàng phát triển số 1 trong các chuỗi cửa hàng được mở ra trong năm 2016 và 2017.

Ông Dũng cho rằng, các nhà bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư vào các cửa hàng để thu hút nhiều người mua sắm hơn. “Vì vậy, tương lai của các cửa hàng hiện đại với định dạng nhỏ này sẽ rất lạc quan và sự tăng trưởng của kênh này sẽ còn tiếp tục và thậm chí vượt trội trong tương lai”, ông nói.

Duyên Duyên/ VnEconomy