Trong ngày hoạt động cuối cùng vào hôm thứ Sáu vừa rồi, chuỗi cửa hiệu bán lẻ đồ chơi lớn nhất nước Mỹ Toys “R” Us đã gửi lời nhắn chia tay với khách hàng.
Lời chia tay của Toy “R” Us đã gợi lên những cảm xúc tiếc nuối với nhiều thế hệ người tiêu dùng Mỹ – những người đã trở nên quen thuộc với biểu tượng chú hươu cao cổ Geoffrey của hãng bán lẻ đồ chơi này trong suốt nhiều thập kỷ.
“Cảm ơn những người bạn đã chia sẻ với chúng tôi hành trình tuyệt diệu đến lúc các bạn trở thành những bậc cha mẹ và tiếp sau đó. Cảm ơn mỗi người ông, người bà, cô bác chú dì, anh chị em, những người đã xếp hình tàu vũ trụ, tham gia vào chuyến phiêu lưu của người hùng, hay chơi trò đất nặn.
Xin hãy hứa với chúng tôi một điều: Đừng bao giờ lớn. Hãy cứ tiếp tục chơi đi nhé!”, lời chia tay đăng trên website của Toys “R” Us.
Theo hãng tin Reuters, hơn 700 cửa hiệu Toys “R” Us tại Mỹ đang tiến hành đóng cửa hoàn toàn. Việc thanh lý chuỗi bán lẻ đồ chơi này là một đòn giáng mạnh vào hàng trăm công ty sản xuất đồ chơi bán sản phẩm qua chuỗi, bao gồm các hãng nổi tiếng như Mattel, Hasbro hay Lego.
Sự ra đi của Toys “R” Us cũng gây khó khăn cho các công ty sản xuất đồ chơi nhỏ vốn dựa vào chuỗi để giới thiệu sản phẩm mới.
Toys “R” Us nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 luật phá sản Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, với hy vọng tái cơ cấu số nợ 5 tỷ USD. Phần lớn số nợ này đến từ vụ mua lại Toys “R” Us của một nhóm công ty đầu tư cổ phần tư nhân bằng tiền vay nợ hồi năm 2005.
Tháng 3 năm nay, Toys “R” Us tuyên bố từ bỏ kế hoạch tái cơ cấu nợ, nói rằng sẽ bán lại hoạt động ở Canada, châu Á và châu Âu, và sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Mỹ.
“Cái chết” của Toys “R” Us phản ánh rõ nét thách thức mà ngành bán lẻ truyền thống tại Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh sự nổi lên của thương mại điện tử. Số cửa hiệu bán lẻ phải đóng cửa ở nước này ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Theo số liệu từ Hội đồng Quốc tế các trung tâm mua sắm (ICSC), hơn 8.000 cửa hiệu bán lẻ tại Mỹ đã đóng cửa trong năm 2017, nhiều gần gấp đôi số cửa hiệu phải đóng cửa trong cả thập kỷ trước đó.
Toys “R” Us ra đời trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi số trẻ em ra đời tăng mạnh trong thập niên 1950, hay còn gọi là thời kỳ “baby boom”. Công ty đã phát triển thành nhà bán lẻ đồ chơi số 1 của Mỹ, nhưng không bắt kịp xu hướng bán lẻ trực tuyến và còn đuối sức trước sự cạnh tranh của những nhà bán lẻ tổng hợp như Walmart.
Diệp Vũ (VnEconomy)