Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi dữ liệu u ám của ngành sản xuất Mỹ làm dấy lên những mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016, đồng thời thấp hơn dự báo trước đó của giới phân tích – hãng tin CNBC cho hay.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,42 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 55,8 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 64,99 USD/thùng.
“Sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra chắc chắn là tin xấu đối với giá dầu. Dữ liệu vừa công bố đã gây lo ngại”, ông John Kilduff, chuyên gia thuộc Again Capital LLC, nhận xét.
Còn theo ông Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, dữ liệu ngành sản xuất Mỹ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trong lúc thị trường dầu đang tìm phương hướng. “Tôi cho rằng thị trường đã lo lắng từ trước, và khi xuất hiện dữ liệu này, các nhà đầu tư đã phản ứng ngay”, ông Flynn nói.
Không chỉ ngành sản xuất Mỹ đi xuống, một cuộc khảo sát do tư nhân tiến hành cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 2 giảm tháng thứ ba liên tiếp. Ngoài ra, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 2 chứng kiến mức giảm mạnh nhất gần 3 năm do nhu cầu tại Trung Quốc giảm thêm.
Cho tới thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thế giơi vẫn đang khá vững, đặc biệt là nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ dầu diesel của Ấn Độ được dự báo sẽ lập kỷ lục trong năm 2019 do tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt khoảng 7%.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế toàn cầu giảm tốc kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu, thì điều đó có thể phá hỏng nỗ lực của Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, OPEC khai thác 30,68 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2, giảm 300.000 thùng/ngày so với tháng 1 và là mức sản lượng thấp nhất của khối này kể từ 2015.
Theo kế hoạch giảm sản lượng mà OPEC và các đối tác gồm Nga đang thực thi, nhóm này sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Venezuela được miễn thực hiện thỏa thuận này, nhưng do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xuất khẩu dầu của Venezuela đã giảm 40% trong 1 tháng qua.
Việc OPEC giảm sản lượng cũng đang mất đi một phần tác dụng bởi sản lượng dầu liên tục lập kỷ lục của Mỹ. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nước này sẽ vượt con số 13 triệu thùng/ngày trong 2019.
Giá dầu WTI đã giảm 2,6% trong tuần này và tăng 6,4% trong tháng 2. Giá dầu Brent giảm 3,2% trong tuần và tăng 6,7% trong tháng 2.
Diệp Vũ/ VnEconomy