Xuất khẩu gạo có những tín hiệu tích cực
Giá lúa gạo cuối tuần này tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sự điều chỉnh trái chiều giữa các mặt hàng lúa, gạo. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tăng tiếp 5 USD/tấn. Thị trường giao dịch sôi động hơn.
Tại An Giang, giá lúa hết tuần này có sự điều chỉnh tăng với mặt hàng Đài thơm 8 và lúa nếp. Cụ thể, Đài thơm 8 tăng 100 đồng/kg lên mức 5.900 – 6.000 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, sau phiên điều chỉnh giảm, đến nay nếp vỏ (tươi) và nếp Long An (tươi) tăng mạnh 450 đồng/kg và 350 đồng/kg lên mức 5.800 – 5.900 đồng/kg và 5.600 – 5.800 đồng/kg.
Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, lúa OM5451 5.700 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 5.800 – 5.900 đồng/kg; lúa Nhật 7.600 – 8.000 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 – 12.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm quay đầu giảm. Hiện gạo NL IR 504 8.400 – 8.450 đồng/kg, giảm 50 – 100 đồng/tấn; Gạo TP IR 504 ở mức ổn định 9.000 -9.100 đồng/kg , giảm 100 – 150 đồng/kg; tấm và cám khô cũng giảm 100 – 150 đồng/kg.
Theo các thương lái, lượng gạo nguyên liệu về nhiều, các kho mua chững lại. Giá gạo NL các loại sụt 100 đồng/kg. Giá lúa các loại đi ngang, thương lái mua chậm hơn, chủ yếu chờ cắt lúa đã cọc.
Trong 15 ngày đầu tháng 3/2022, xuất khẩu gạo đi hầu hết các thị trường chính đều có những tín hiệu tích cực so với lượng xuất trong tháng 2 vừa qua.
Trong tuần qua, xuất khẩu gạo đi thị trường Philippines tăng trở lại với các mặt hàng Đài thơm 8, OM 18 và OM 5451. Trong khi đó, giao hàng gạo đi Châu Phi giảm mạnh với hai mặt hàng là Đài thơm 8, OM 18 và Jasmines. Tại thị trường Trung Quốc, giao hàng gạo trong tuần qua tăng nhẹ. Nhiều khách hàng quay lại hỏi mua gạo nếp.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt nam tăng tiếp 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm hiện ở mức 423 – 427 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 – 399 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 100% tấm và Jasmine ổn định ở mức 338-342 USD/tấn và 518-522 USD/tấn.
Thương nhân đang do dự trong việc ký hợp đồng mới
Nhu cầu ổn định, nhưng các thương nhân đang do dự trong việc ký hợp đồng mới giữa bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao. Hiện chi phí vận chuyển ra nước ngoài đã tăng đáng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga bùng phát. Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng tới 70-80%.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%). Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.200 tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trung Quốc đứng thứ 2 với trên 81.880 tấn, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Các doanh nghiệp nhận định thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Dự báo trong khoảng 1-2 tuần tới, việc xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp hơn do nhu cầu lương thực của thế giới cao. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cũng được dự báo nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn nữa, và ở mức tốt hơn khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.
Hai thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh thu mua sau khi thu hoạch mùa vụ và cân đối sản lượng của họ. Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, Philippines có thể sớm gỡ bỏ hạn chế nhập khẩu đối với gạo Việt Nam. Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với nhập khẩu ngũ cốc từ Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, giữa bối cảnh mùa màng trong nước bội thu.
Thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cũng chưa vội ký kết đơn hàng mà chỉ đẩy mạnh tăng mua trong nước để dự trữ chờ giá xuất khẩu gạo tăng lên nữa và tính toán kỹ các chi phí. Mặc dù tín hiệu thị trường đang tốt lên song các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đứng trước bài toán chi phí đầu vào tăng cao họ đang ở thế khó và buộc phải tìm mọi cách để cân đối chi phí.
Liên quan đến vấn đề phụ phẩm xuất khẩu tăng, theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu gạo tấm từ Trung Quốc đang tăng cao bất thường trong những ngày gần đây. Một nguyên nhân quan trọng là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngô và lúa mì. Giá 2 loại ngũ cốc này tăng vọt xuất phát từ căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực Biển Đen trong những tuần gần đây. Khi một thị trường lớn như Trung Quốc tăng thu mua sẽ đẩy cầu ở mức cao và không chỉ phụ phẩm mà các loại gạo khác cũng sẽ được đẩy mạnh thu mua nhiều hơn. Dự kiến trong 2 tuần tới trở đi xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn và giá có thể tốt hơn.
Theo VFA, Thái Lan và Ấn Độ là hai nguồn cung chính ảnh hưởng đến thị trường thương mại gạo thế giới năm 2022. Chính phủ Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo nước này năm 2022 đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (năm 2021 là 6,3-6,5 triệu tấn; năm 2020 là 5,72 triệu tấn). Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2022 sẽ tăng mạnh nhờ giá chào cạnh tranh.
Đối với Ấn Độ, năm 2021 nước này xuất khẩu 18 triệu tấn gạo các loại và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Tồn kho lớn và sản lượng dự báo dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi tiếp tục là những nguyên nhân chính giúp Ấn Độ duy trì vị thế nguồn cung sẵn sàng với giá chào rất cạnh tranh trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
Về thị trường tiêu thụ, với tình hình dịch Covid-19 chưa có tín hiệu lạc quan, dự báo các nước châu Á sẽ duy trì mức độ nhập khẩu tương đương năm 2021.
Riêng thị trường Trung Quốc, với đặc thù tích trữ lương thực, có khả năng nước này sẽ duy trì mức độ nhập khẩu cao để đảm bảo an ninh lương thực.
Một số thị trường như Bangladesh, Iran, Sri Lanka… cũng được dự báo sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay. Thị trường châu Âu cũng sẽ sôi động hơn trong nhập khẩu gạo thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi nhu cầu mua gạo của thị trường châu Phi sẽ vẫn ổn định…
Về chủng loại, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục đà chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Gạo thơm các loại (chủ yếu là Đài Thơm và một số giống OM) dự kiến vẫn duy trì tỷ trọng lớn với kỳ vọng từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Philippines.
Tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao 5% tấm dự báo sẽ ổn định nhờ nhu cầu thường xuyên của Cuba. Bên cạnh đó, phân khúc gạo nếp cũng được dự báo khá sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc…
Nguồn: Dân Việt