Theo các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu trữ lương thực của các nước trước dịch bệnh COVID-19, giá gạo VN xuất khẩu ở mức cao do chiếm phần lớn trong sản lượng gạo xuất khẩu là các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn trước. Đặc biệt, việc gạo thơm ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới cũng góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt.
Giá cao do gạo thơm và ngon hơn
Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng giá gạo VN liên tục tăng trong những tháng gần đây là do xuất khẩu tốt hơn trong khi trong nước đã hết vụ, nguồn cung không đủ.
Với việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua dự trữ lương thực thực phẩm của nhiều nước tăng lên, trong đó có nhu cầu về gạo. Trong khi đó, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, VN nổi lên như là một quốc gia an toàn và sẵn sàng cung ứng gạo cho thế giới.
VN cũng đã giảm mạnh các loại gạo cấp thấp, thay vào đó là tăng cường gạo cao cấp, gạo thơm. Do vậy VN không còn là nơi cung cấp gạo giá rẻ nữa mà có đủ khả năng và chủng loại gạo cao cấp cho nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, châu Âu…
Cũng theo ông Bình, giá gạo sẽ còn tiếp tục cao thời gian tới vì vụ đông xuân chưa thu hoạch trong khi nhu cầu các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao.
“Những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp (DN) thường dự báo vào thu hoạch rộ vụ đông xuân, nguồn cung tăng lên và giá gạo sẽ giảm nên tranh thủ giảm giá chào bán xuất khẩu ngay từ thời điểm cuối năm, khiến giá gạo xuất khẩu và cả giá lúa trong nước đều giảm. Nhưng với bối cảnh hiện tại, DN nào ký giá thấp cho năm tới sẽ rủi ro rất cao vì khi giá lúa trong nước không giảm thì sẽ ôm sô khi đến hạn bàn giao hợp đồng” – ông Bình cảnh báo.
Theo ông Phạm Quang Diệu – giám đốc Công ty CP Nghiên cứu và dự báo thị trường VN (AgroMonitor), trong thời gian tới, giá lúa gạo VN vẫn có khả năng duy trì ở mức cao bởi Philippines sẽ phải mua thêm gạo vào đầu năm tới do các trận bão lụt vừa qua ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lương thực.
Tuy nhiên, theo ông Diệu, không nên quá chú trọng vào giá chào bán hằng ngày vì giá này thường ảo, quan trọng là hợp đồng có được ký hay không, lượng hàng hóa giao dịch là bao nhiêu.
“Việc so sánh gạo 5% tấm của VN và Thái Lan cũng không còn chính xác nữa bởi 5% tấm của Thái Lan chỉ là gạo trắng thông thường, chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái, còn lại là những loại gạo thơm, đặc sản giá trị rất cao. Trong khi gạo 5% tấm của VN hiện nay thực chất là gạo trắng cao cấp và gạo thơm. Do đó, giá của VN chắc chắn phải cao hơn so với gạo trắng Thái”, ông Diệu nói.
Giá lúa trong nước được hưởng lợi
Ông Nguyễn Văn Tùng (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho biết nhờ giá gạo xuất khẩu cao, giá lúa được các thương lái mua vào cũng khá cao. Chẳng hạn tại Sóc Trăng, lúa thường đang được thương lái tìm mua với giá trên 7.000 đồng/kg.
“Tui làm ruộng gần cả đời người, chưa thấy lúa bán được giá cao chót vót như vậy. Tiếc là thời điểm giao mùa, lúa mới gieo sạ được 30 ngày, nếu không trúng bể tay” – ông Tùng nuối tiếc.
Theo ông Võ Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang), dù rất vui khi lúa đang có giá cao nhưng bà con nông dân mong muốn giá lúa phải ổn định để an tâm sản xuất.
“Nông dân làm vụ 3 sẽ thắng lớn, vì lúa đang có giá cao. Tuy nhiên nếu có DN liên kết sản xuất chất lượng cao, bà con không còn sợ thương lái ép giá nữa. Bây giờ nông dân không phải như ngày xưa bán lúa khô mà phải bán lúa tươi tại ruộng” – ông Nhơn nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền – ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) – cho rằng với mức giá lúa được thương lái mua vào hiện nay, người trồng lúa có lãi lớn nhưng nông dân chỉ mong giá lúa phải ổn định.
“Diện tích lúa ở địa phương cũng khá lớn. Giá lúa cao là điều rất đáng mừng, nhưng tôi cũng hi vọng giá lúa này sẽ giữ ổn định lâu dài” – ông Trần Văn Tuấn, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, nói.
Theo ông Đỗ Minh Nhựt – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm không nghe bà con nông dân kêu về giá lúa. Nghề trồng lúa đã bước đầu chuyển biến đúng hướng, đó là làm kinh tế nông nghiệp thay vì chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp.
“Nông dân đã bắt đầu hướng tới giá trị kinh tế, thay vì chỉ chạy theo sản lượng như trước đây. Hạt gạo VN đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới”, ông Nhựt khẳng định.
Ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng – cho hay giống lúa đã cơ bản được cải thiện theo hướng chất lượng, đặc sản. Diện tích lúa thơm, lúa đặc sản của Sóc Trăng chiếm trên 60% diện tích canh tác.
“Có gạo chất lượng rồi, bây giờ chỉ còn bán buôn thế nào thôi. Các DN đừng vì cái lợi trước mắt mà tự hạ giá, lôi kéo khách hàng” – ông Phước nói.
Cơ hội tổ chức lại xuất khẩu gạo
Ông Huỳnh Văn Thòn – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời – cho rằng giá gạo thế giới đang đứng ở mức cao do sản xuất tại nhiều nước đang gặp khó khăn. Nhu cầu lương thực đang có sự thay đổi nhiều hơn. Thêm vào đó, quan điểm về sản xuất lúa gạo đang thay đổi.
“Theo tôi, biến động lớn nhất là xuất khẩu được tốt, thương hiệu có, vị thế quốc gia mình đang có và logistics hay thuế đang được cải thiện tốt. Đây là tương lai sáng cho VN. Tuy nhiên, sản xuất lúa của VN sẽ phải khác trước, không nên chạy theo sản lượng nữa mà cần tập trung nâng chất lượng” – ông Thòn nói.
Trong thời gian tới, theo ông Thòn, VN nên đi vào chế biến sâu, chất lượng. Quy hoạch lại vùng trồng lúa, định hướng thị trường để bán, củng cố các đầu mối xuất khẩu, có thông tin và luật lệ rõ ràng.
“Với giá lúa cao như hiện nay sẽ có tình trạng các DN cạnh tranh không lành mạnh. Điều này đã có bài học xảy ra rồi. Vì một số thương nhân có tư duy ngắn hạn, sợ lúa mình bán không được nên cạnh tranh bán kiếm lời. Đây là thời cơ để tổ chức lại hoạt động xuất khẩu lúa gạo” – ông Thòn nói thêm.
Theo ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh này đang đi theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu lúa gạo, giảm năng suất theo hướng gạo sạch, gạo hữu cơ, không chạy theo sản lượng, năng suất mà chạy theo giá trị hạt gạo mang lại.
“Sắp tới An Giang hướng vào một số thị trường cấp trung bình cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Malaysia, các thị trường châu Âu… Tuy nhiên, muốn làm được điều này phải làm chương trình thương hiệu gạo An Giang, tổ chức sản xuất gạo theo chuẩn SRP để thâm nhập các thị trường khó tính. Đặc biệt gắn kết với các thị trường có giá trị cao” – ông Thư nói.
Cha đẻ gạo ST25 – Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho biết đây là cơ hội để gạo Việt cất cánh, giúp nông dân tăng thu nhập, an tâm cày cấy trên cánh đồng của mình.
“Câu chuyện cây lúa, hạt gạo đến bàn ăn còn nhiều việc phải làm. Nhưng nếu chúng ta không nắm bắt cơ hội này, thiết lập chuỗi giá trị cho hạt gạo thì rất đáng tiếc. Trước mắt cần dẹp bỏ tình trạng làm ăn dối trá, gian lận” – ông Cua đề xuất.
Sản lượng xuất khẩu giảm, giá trị xuất khẩu tăng Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, với trị giá 2,6 tỉ USD, tăng 8%. Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về xuất khẩu gạo của VN chiếm 34,8% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 32,9% trong tổng kim ngạch. Indonesia và Trung Quốc là hai thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh trong năm 2020. Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Giá chào bán gạo 5% tấm của VN ổn định ở mức 493 – 497 USD/tấn. Nửa đầu tháng 11, lượng gạo xuất khẩu đi Philippines và Trung Quốc tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh, trong khi xuất khẩu đi châu Phi và Malaysia vẫn chưa có tín hiệu tích cực. “Khoảng 80% sản lượng gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao nên giá xuất khẩu cao hơn. Hơn nữa, Thái Lan giảm xuất khẩu do mất mùa dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng lên, kéo theo giá gạo tăng” – một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định. |
* Ông Nguyễn Trung Kiên (phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN): Giá gạo xuất khẩu sẽ ổn định Dự báo xuất khẩu gạo của VN trong quý 1-2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của VN như Philippines, châu Phi… tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của VN. Cơ hội đang rộng mở cho gạo VN, vấn đề còn lại là chúng ta cần tiếp tục khuyến cáo nông dân kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để hạt gạo của VN tiếp tục thắng lớn. * TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế): Cần tận dụng vị thế mới của gạo Việt Trong bối cảnh ảm đạm của hầu hết các ngành, lĩnh vực bị tác động nặng nề do dịch bệnh CoVid-19, ngành hàng lúa gạo VN đang ở một vị thế mới, với mức giá gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục 10 năm qua. Tuy nhiên, muốn duy trì được vị thế này, doanh nghiệp và nông dân không được tư duy theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Theo đó, phải tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh, kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật. Nông dân cũng cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra… H.T.DŨNG ghi |
Nguồn: Tuổi trẻ