Sự hấp dẫn của thanh toán điện tử

Trong một cuộc trình diễn mới đây, Samsung đã giới thiệu tính năng thanh toán Samsung Pay bằng đồng hồ thông minh Gear S3. Một bạn trẻ giơ chiếc đồng hồ thông minh và “quẹt” vào máy POS là có thể thực hiện được mọi thanh toán vé xem phim, mua cà phê, mua hàng hóa… Một cuộc trình diễn khác cho thấy, các chủ thẻ ATM của Ngân hàng Shinhan đã có thể thực hiện rút tiền bằng Samsung Pay tại các máy ATM một cách vô cùng tiện lợi mà không cần thẻ…

Sự hấp dẫn và hiệu quả của Samsung Pay có thể thấy qua số người dùng và giao dịch tăng vọt. Sau hơn 6 tháng hoạt động kể từ 29/9/2017 cho đến nay, Samsung Pay đã có gần 400.000 người dùng đăng ký với 500.000 giao dịch đã được thực hiện. Tổng giá trị giao dịch qua Samsung Pay trong 6 tháng vừa qua đạt gần 350 tỷ đồng.

Các tính năng mới đầy hấp dẫn của Samsung Pay hứa hẹn tiếp tục thu hút thêm người dùng cũng như mở rộng mạng lưới kết nối thanh toán tại Việt Nam. Mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái “chạm-trả” và kinh tế phi tiền mặt của Việt Nam vì thế đang đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng dụng thanh toán điện tử trên smartphone.

Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ thanh toán không tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020.Cơ hội của nền kinh tế phi tiền mặt đến rất gần với Việt Nam khi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi từ thị trường thương mại điện tử, thị trường bán lẻ, bùng nổ số lượng người sử dụng internet và di động.

Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất châu Á với mức bình quân ước đạt 25% trong giai đoạn 2016-2018. Cùng với đó, theo Báo cáo thị trường mobile của Appota, Việt Nam có gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone với 53% dân số sử dụng internet khiến tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã lên đến 40 – 50%, vượt xa dự đoán của Google. 

cham-tra-1

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, năm 2017 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đã tăng trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Doanh thu thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 30%/năm và tốc độ này có thể sẽ gia tăng hơn nữa với sự bùng nổ của công nghệ, thói quen mua sắm mới.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam có tổng cộng hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành. Cùng với đó, các ví điện tử, cổng thanh toán, các trung gian thanh toán cũng nở rộ, đều nhắm tới phân khúc thanh toán điện tử. Những công ty cung cấp ví điện tử sẽ nhận được một phần nhỏ với mỗi thanh toán được thực hiện qua dịch vụ này. Vì vậy, ví điện tử nếu tiếp tục phát triển sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ.

Đến nay đã có 25 tổ chức không phải là Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán. Tính riêng năm 2016, giá trị giao dịch tại thị trường Việt Nam thông qua ví điện tử đã lên đến 53.109 tỉ đồng, cao hơn cả doanh số thanh toán thẻ nội địa năm 2016 thông qua máy POS và bằng 1/3 doanh số thanh toán thẻ quốc tế trong cùng năm.

Yếu tố smartphone

Cùng với xu hướng thanh toán không tiền mặt đang phát triển tại Việt Nam, nhiều nền tảng thanh toán nước ngoài như Samsung Pay, Facebook, LG, Google hay Alibaba cũng tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, ngoại trừ các ứng dụng do ngân hàng phát hành thì chưa có một nền tảng thanh toán nào có thể thuận lợi vượt ra được giới hạn mạng lưới của bản thân. Kèm theo đó là rất nhiều giải pháp thanh toán như ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử… Việc thiếu một chuẩn chung cũng đang khiến người dùng và đơn vị bán hàng gặp không ít bất tiện trong thanh toán điện tử.

“Sớm muộn gì thanh toán thông thường cũng sẽ hoàn toàn bị thay thế trong thời đại kỹ thuật số này. Tuy nhiên, thanh toán điện tử hiện vẫn chỉ có quy mô nhỏ ở nhiều nơi, nhất là ở những quốc gia chỉ chấp nhận tiền mặt hay người dân ưa gửi tiết kiệm ngân hàng”, Penny Gillespie, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, cho biết và khẳng định: “Thị trường ví di động vẫn còn non trẻ. Nói chung, người tiêu dùng không mấy hứng thú và cũng ít cửa hàng chấp nhận phương thức này”.

Một hệ thống hay nền tảng chung sẽ cho phép có thể tương tác trên tất cả các mạng lưới thanh toán, được kỳ vọng sẽ chấm dứt những trở ngại về thực trạng phân mảnh hiện nay. Các màn trình diễn công nghệ thanh toán mới của Samsung Pay cho thấy tham vọng muốn thay đổi cho thị trường thanh toán di động tại Việt Nam tích hợp trong một giải pháp thanh toán di động có nhiều ưu thế: Thao tác đơn giản, không phải trả phí thẻ, không yêu cầu yêu cầu kiểm tra hay kiểm soát tín dụng nghiêm ngặt, không phụ thuộc vào tiền mặt, tính minh bạch cao, đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính.

Sự phân mảnh trong giải pháp thanh toán đang được Samsung Pay giải quyết khi mở rộng được hệ thống kết nối thanh toán, đặc biệt có lợi thế nhờ hỗ trợ đủ các loại máy thẻ tín dụng. Tính đến thời điểm này, đã có đến 15 ngân hàng và 3 tổ chức chuyển mạch thẻ tham gia vào mạng lưới thanh toán di động Samsung Pay, chiếm 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa. 

Theo NAPAS, toàn thị trường hiện có khoảng 270.600 máy POS và sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng qua Samsung Pay. Samsung Pay tương thích với cả NFC và MST – loại máy quẹt thẻ đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á. Điều này cho phép Samsung Pay hoạt động hầu như ở bất cứ nơi nào chấp nhận thanh toán thẻ.

Khảo sát của Visa cho thấy 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ có thể sẽ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để thanh toán. Như vậy, có thể thấy, đối với người tiêu dùng trẻ, smartphone sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam. Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao di động, được cho là rất thuận lợi để nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động mở rộng thị trường.

Theo ông Sean Preston, Giám đốc tại Việt Nam, Campuchia, Lào của Visa, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử trong nửa đầu năm nay của cả nước đã tăng 38% trong năm 2017 và tình hình cho thấy người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, thay cho tiền mặt.

Thanh Trực/ Nhịp Cầu Đầu Tư