Cơ hội lớn

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại bao gồm các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và bán lẻ trực tuyến mới đang chiếm thị phần khá khiêm tốn ở mức 25%. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên vào năm 2020 đạt 40%. Đây được coi là bước dịch chuyển tất yếu của xu hướng bán lẻ.

Gia tăng kênh bán lẻ hiện đại đồng nghĩa với nhu cầu về nhà kho và phân phối tăng theo – cả ở chiều sâu và chiều rộng. Ngoài việc tăng sản lượng ở mức chóng mặt, nhu cầu về chuỗi dịch vụ logistics cũng sẽ mở rộng ra thị trường ở các tỉnh thành cả nước khi mà mạng lưới bán lẻ ngày càng phủ sóng mạnh mẽ. Đây là cơ hội không nhỏ cho các nhà cung ứng hậu cần.

Thực tế thì cơ hội này đã được nhìn ra từ rất sớm khi nhu cầu của các nhà bán lẻ chớm đi lên, nhưng hiện nay ngành logistics mới chỉ chứng kiến rất ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bước chân vào thị trường này. Có điều gì khiến những công ty logistics chưa thể mạnh dạn khai thác miếng bánh tiềm năng mang tên thị trường bán lẻ?

Thách thức không nhỏ

Khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng chủng loại và tần suất đơn hàng ở mức cao, ngành bán lẻ yêu cầu một chuỗi cung ứng đặc thù và rất phức tạp. Trong bán lẻ, yêu cầu đáp ứng về mặt thời gian gần như luôn là ưu tiên số một vì chậm một nhịp thôi cũng có thể đánh mất khách hàng, đánh mất cả một thị trường. Có lẽ vì thế mà các nhà bán lẻ thường không mạo hiểm trong việc lựa chọn đối tác hậu cần.

Hầu hết những tên tuổi logistics gắn liền với thị trường bán lẻ thời gian qua đều đã có một khoảng thời gian rất dài chứng minh năng lực nhưng cũng chỉ có số ít trong đó tiếp tục phát triển đi lên cùng thị trường này. Bởi những yêu cầu đặt ra của ngành bán lẻ là liên tục thay đổi, liên tục cải tiến. Chứng kiến sự bùng nổ của thị trường, doanh nghiệp logistics Vinafco – cái tên không xa lạ với ngành bán lẻ – gần như đã tạo cho mình một thế chủ động, để có thể sẵn sàng với mọi thay đổi của thị trường.

Bài toán cần giải

Như dành riêng cho thị trường bán lẻ, dịch vụ gom hàng lẻ của Vinafco đang giải quyết một bài toán đã từng là rất khó. Tưởng tượng, một nhà bán lẻ quy mô lớn, số lượng nhà cung cấp có thể lên đến hàng nghìn, còn số lượng người tiêu dùng thì là một con số không tưởng. Trong khi đó, mỗi nhà cung cấp có một sản lượng hàng hóa riêng, mỗi người tiêu dùng nhu cầu mua sắm riêng, yêu cầu với đơn vị logistics là làm sao để kết nối toàn bộ chu trình từ Nhà cung cấp – Nhà bán lẻ – Người tiêu dùng, ở mọi lúc mọi nơi. Bằng việc kết hợp nhiều phương thức vận tải, linh hoạt trong dịch vụ, Vinafco đóng vai trò là đơn vị thu gom toàn bộ hàng hóa từ khắp mọi nơi, tập kết và giao đến một địa điểm chung, từ đó tỏa đi phân phối khắp các chuỗi bán lẻ trên cả nước.

Khâu lưu trữ hàng hóa cũng là một mắt xích trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Phía sau một kho bán lẻ của Vinafco, mọi yếu tố đều được tính toán tối ưu ngay từ ban đầu, từ vị trí nào để quãng đường phân phối thuận tiện nhất, không gian lưu trữ như nào để có thể tận dụng nhất, ứng dụng công nghệ gì để kiểm soạn hàng nhanh nhất… Bà Phạm Thị Lan Hương – TGĐ Vinafco chia sẻ: “chúng tôi cần hướng tất cả mọi thứ tới mục đích cuối cùng là hàng hóa của khách hàng được kiểm soát và giao đúng thời gian, với tỉ lệ chính xác tuyệt đối. Nếu đơn xuất đi từ nhà kho của bạn bị chậm, dẫn tới khách hàng chậm, cuối cùng là người tiêu dùng nhận được hàng hóa chậm. Thị trường bán lẻ không cho phép điều đó”.

Có lẽ phần nào sự khắc nghiệt của thị trường bán lẻ đã khiến khâu dịch vụ hậu cần cho ngành này trở thành miếng bánh tuy tiềm năng nhưng lại “khó nhằn”. Dù vậy chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo, yêu cầu về mặt chất lượng dịch vụ chỉ có thể tăng lên chứ không thể giảm đi. Do đó, các công ty logistics cần tính toán phương án nhằm tận dụng cơ hội khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này.

Ánh Dương/ Nhịp sống kinh tế