Thị trường 200 tỷ USD
Sau đợt giãn cách xã hội, các trung tâm thương mại ngay lập tức chuyển hướng ưu tiên cao độ vì sự an toàn của khách hàng. Tại nhiều trung tâm, có thể thấy dòng người xếp hàng chờ đo nhiệt đột, rửa tay sát khuẩn, được yêu cầu đeo khẩu trang. Chưa kể, những tiện ích vốn có như phòng chăm sóc trẻ em, hệ thống tiếp cận dành cho người khuyết tật, tay vịn cầu thang, thang máy, các trạm sạc điện thoại,… được tăng cường khử khuẩn giúp các trung tâm thương mại “ghi điểm” với khách hàng.
Những hoạt động đó cũng góp phần “ghi điểm” cho thị trường bán lẻ Việt Nam, vốn là thị trường hiếm hoi trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19.
Với tăng trưởng bình quân trên 10%/năm những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn nằm trong Top dẫn đầu về sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính tương đương hơn 161 tỷ USD, tức tăng gần 18,9 tỷ USD so với năm 2018.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có chỉ số GDP tăng trưởng dương trong năm 2020, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì kinh tế ổn định và phát triển ở mức nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng GDP của Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 và nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021.
Trong đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng là nhân tố giúp nới rộng dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ. Nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỷ USD.
Rầm rộ mở rộng
Trong khi mặt bằng nhà phố đang chật vật thì các hệ thống trung tâm thương mại lại ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng. Theo đại diện một trung tâm thương mại, sau thời gian cách ly xã hội, đến tháng 10/2020, đà phục hồi lượng khách của hệ thống này đã đạt trên 80%, cá biệt có trung tâm thương mại đạt tới 90% so với cùng kỳ.
Niềm tin về thị trường ngày càng được củng cố khi các ông lớn đua nhau khai trương trong năm 2020. Tháng 11/2020, Muji khai trương cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, rộng tới 2.000m2. Ngoài những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và văn phòng phẩm đã làm nên tên tuổi của thương hiệu này, cửa hàng Muji có tới hơn 5.000 mặt hàng. Ông Tetsuya Nagaiwa – Tổng giám đốc Muji Việt Nam, chia sẻ, sắp tới công ty sẽ mở thêm cửa hàng tại Hà Nội.
Muji không phải là thương hiệu bán lẻ Nhật Bản duy nhất chọn thời điểm khó khăn này để khai trương. Aeon đã tạo một hiện tượng thành công nhanh trong lĩnh vực bán lẻ tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và tiếp tục mở rộng điểm kinh doanh bằng việc khai trương trung tâm mua sắm thứ 6 tại Hải Phòng.
Không thua kém các đại gia ngoại, Công ty CP Vincom Retail vừa tổ chức khai trương trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Ocean Park với diện tích lên tới 56.000m2. Vincom Retail đang sở hữu khoảng 1,6 triệu m2 diện tích mặt sàn bán lẻ, vận hành 80 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh và thành trên toàn quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Dự đoán đến 2030, hình thức bán lẻ quy mô lớn sẽ chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là mô hình trung tâm thương mại điểm đến và trung tâm thương mại chú trọng phong cách sống tại các đô thị.
Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ thể hiện ở việc nhiều thương hiệu nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và nhanh chóng mở thêm các cửa hàng. Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, doanh thu ngành hàng thời trang nhanh của Zara và H&M tại Việt Nam đã tăng mạnh mẽ trong 2-3 năm qua từ khi có mặt tại đây.
Uniqlo khai trương liên tiếp hai cửa hàng mới tại Vincom Center Metropolis và Aeon Mall Long Biên chưa đầy 1 năm sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội). Cùng với 3 cửa hàng tại TP.HCM, hãng bán lẻ thời trang của Nhật có tới 6 cửa hàng tại Việt Nam.
Hai hãng hàng hiệu xa xỉ Louis Vuitton và Christian Dior chính thức tham gia thị trường bán lẻ Hà Nội. Nhiều thương hiệu xa xỉ như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe, Hublot, Christian Louboutin, Mont Blanc, Cartier, Hugo Boss, Bottega, Kenzo, Valentino cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Chuyển đổi số
Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam nhận định, việc kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 đợt hai và công suất cao giúp các chủ nhà củng cố niềm tin vào thị trường.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ tích hợp từ mua sắm, giải trí và ẩm thực có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua sắm, từ đó tăng việc hỗ trợ giá thuê đến khách thuê do tác động của Covid-19 cho cả các trung tâm thương mại và nhà phố cho thuê.
Cơ hội lớn nhưng thị trường Việt Nam cũng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt. Theo Deloitte Việt Nam, với các mô hình bán lẻ khác nhau, thị trường đang chứng kiến cuộc chiến giành thị phần của các đại gia trong nước và nước ngoài khi họ bắt tay triển khai các chiến lược mở rộng mạnh mẽ.
Thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập, tái cấu trúc và thậm chí phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ. Trong đó, có thể kể đến Parkson – thành viên của The Lion Group, Malaysia, liên tục thông báo đóng cửa các trung tâm mua sắm thuộc hệ thống này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại cũng phải thay đổi theo xu thế của thời đại và thương mại điện tử. Các trung tâm thương mại và mua sắm offline sẽ có cơ hội chuyển mình trước thử thách này, tích cực mang đến ngày càng nhiều trải nghiệm thật, ứng dụng công nghệ, AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ người tiêu dùng,…
Các chuyên gia cũng tin rằng tương lai vị thế dẫn đầu ngành bán lẻ sẽ thuộc về những tổ chức có tầm nhìn, khả năng đột phá thay đổi tư duy cũ và thúc đẩy thiết kế môi trường trải nghiệm hướng đến khách hàng.
Central Retail, nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, dự định sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh và thương mại tại 55 trong số 63 tỉnh của Việt Nam. Tương lai gần, tập đoàn có kế hoạch mở 6 trung tâm thương mại GO! Mall mới và chuyển đổi hình thức của 4 siêu thị Big C thành các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam.
Nguồn: VietNamNet