DN XK gạo “đói” đơn hàng mới
Sau khi xuất sang Đài Loan được 3.000 tấn gạo, Công ty TNHH Hưng Cúc không tìm được đơn hàng mới.
“3.000 tấn gạo đã xuất đi trong tháng 4-5.2020 là của các đơn hàng cũ đã ký trước đó. Sau đơn hàng này, chúng tôi vẫn chưa tìm được đơn hàng mới và cho đến thời điểm này, thị trường xuất khẩu (XK) gạo vẫn chưa có tín hiệu lạc quan, việc tìm đơn hàng mới được dự báo là khó khăn trong thời gian tới” – ông Lý Thái Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc chia sẻ với PV Lao Động chiều 7.7.2020.
ĐBSCL và TPHCM là thị trường XK gạo khá sôi động. Theo các thương nhân tại TPHCM và khu vực ĐBSCL, vụ Đông Xuân vừa qua hầu hết các DN XK gạo trong khu vực ĐBSCL đều bán được giá rất cao.
Tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, một số DN bán gạo thơm cho thị trường ngoài nước với giá cao nhất lên từ 480 – 640 USD/tấn, cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6.2020 đến nay, thị trường XK gạo bị chậm lại, nhất là phía Trung Quốc và Philippines tạm ngưng nhập khẩu gạo, giá đã giá giảm từ 7-8%.
Đặc biệt, mới đây, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) – đơn vị đại diện cho Chính phủ Philippines đã thông báo hủy bỏ toàn bộ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo theo cơ chế liên Chính phủ (G2G) với các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân được đưa ra, là bởi hiện tại nguồn cung gạo trên thế giới đã ổn định trở lại. Nguồn cung gạo của Philippines cũng được đảm bảo. Việc Philippines tạm dừng nhập khẩu 300.000 tấn gạo, mà trong đó Việt Nam đã được báo sẽ trúng thầu 30.000 tấn, thực sự là “cú sốc” đối với DN XK gạo trong nước. Bởi, một số DN đã chuẩn bị đón đầu đơn hàng này khá kỹ, nay phải hủy bỏ.
Cùng chung cảnh giống Công ty TNHH Hưng Cúc, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang trong tình trạng không có khách hàng để bán. Ông Trần Thanh Phong – Giám đốc Công ty TNHH Việt Thanh, nếu như năm 2019, DN XK được khoảng 70.000 tấn thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ xuất được gần 30.000 tấn. Kể từ cuối tháng 5 đến nay, DN chưa ký thêm được bất cứ một hợp đồng mới nào, bởi trong giai đoạn Việt Nam tạm dừng XK gạo, các nước đã mở kho xuất cho những nước có nhu cầu. Đến nay, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới chững lại Việt Nam khó tìm được đơn hàng mới.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) chia sẻ: Giá gạo XK tháng 5 tăng mạnh, nhưng sang đầu tháng 6 bắt đầu chững lại vì nhiều thị trường lớn đang tạm ngưng ký hợp đồng để chờ giá xuống.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường XK gạo đang chững lại và có nguy cơ khó tìm được đơn hàng mới trong thời gian tới.
Sở Công Thương tỉnh Long An cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 DN kinh doanh XK gạo. Hầu hết DN đều đang rơi vào tình trạng XK khó khăn do chưa tìm được đơn hàng mới.
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, đến thời điểm này, một số thị trường gần với Việt Nam như Philippines, Indonesia, Singapore… vẫn còn trong tình trạng cách ly xã hội cho thấy, XK nông sản, trong đó có XK gạo sẽ còn khó khăn đến hết năm 2020.
Kỳ vọng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm vào châu Âu theo EVFTA
Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cho rằng, triển vọng XK gạo đang được mở ra khi Hiệp định EVFTA được thực thi từ 1.8 tới đây và theo thỏa thuận tại EVFTA, Châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm và cam kết này giúp Việt Nam có thể XK ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm. Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ XK được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao. Cụ thể, thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh XK gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.
Điều khó khăn là, theo quy định, các lô hàng gạo thơm thuộc diện hạn ngạch thuế quan khi XK vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan của EVFTA.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, các thương nhân trong ngành lúa gạo đề nghị, Nhà nước cần phải hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, đồng thời, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết: Để giải quyết khó khăn cho DN XK gạo hiện nay, ngành công thương và các đơn vị liên quan đang tập trung một số giải pháp, trong đó, tăng cường thông tin thị trường, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA; đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại.
*Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam XK được 3,5 triệu tấn gạo (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước), đạt giá trị kim ngạch 1,71 tỉ USD (tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2019). Trong nhóm thị trường tiềm năng về XK gạo của Việt Nam, Philippines đứng ở vị trí thứ nhất với 39,9% thị phần, với số lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 1,3 triệu tấn, đạt 598,6 triệu USD. *Để phát triển bền vững ở thị trường EU, Tập đoàn Lộc Trời đã đặt mục tiêu tận dụng cơ hội từ EVFTA. DN sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu trước mùa vụ. Sau đó, sẽ ký hợp đồng để thực hiện tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên thực hiện kiểm soát toàn bộ các khâu trên đồng ruộng theo quy trình để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc. |