Ảnh hưởng do dịch bệnh từ cuối năm 2019 lên toàn thế giới đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, chuyển dịch từ các kênh truyền thống lên các kênh online. Thay đổi này kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc, thậm chí bùng nổ của nhiều ngành bao gồm thương mại điện tử, logistics và giao dịch không tiền mặt. Song chính từ sự gia tăng sức mua online đột ngột đã khiến không ít nhà bán lẻ chật vật, đối mặt với thách thức làm sao đảm bảo chất lượng và thời gian vận chuyển hàng hóa đến tay người mua.
Khi Singapore áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa một phần đảo quốc do ảnh hưởng từ Covid-19 năm ngoái, các doanh nghiệp thương mại điện tử tại đây đã đối mặt với những thách thức lớn về mặt logistics. Tại thời điểm đó, sự tiện lợi và an toàn cho cả khách hàng lẫn shipper là ưu tiên hàng đầu mà họ cần hướng đến.
Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành thương mại điện tử khu vực châu Á – Thái Bình Dương của NielsenIQ, nói rằng trên thực tế, nhu cầu người tiêu dùng toàn cầu đang dần có dấu hiệu vượt xa so với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử. Để đáp ứng được sức mua ngày càng gia tăng này, còn nhiều vấn đề về logistics mà các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử cần đầu tư cải thiện.
Vị CEO nhấn mạnh rằng với người tiêu dùng, “sự tiện lợi là vua” (Convenience is king), cho thấy nó chiếm phần lớn quyết định mua hàng của họ. “Tiện lợi” ông đề cập ở đây bao gồm các yếu tố mua sắm “bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, 24/7”. Dựa trên yếu tố đó, NielsenIQ luôn chú trọng nền tảng kỹ thuật số và xem đó là yếu tố cốt lõi giúp họ đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.
Đồng quan điểm với Vaughan Ryan, ông James Root, cố vấn toàn cầu của công ty Bain & Company, nhận định để nắm bắt cơ hội trong tương lai khi hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng thịnh hành, các doanh nghiệp đang kinh doanh trên kênh online cần xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc củng cố nền tảng khoa học, công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp của họ trong công cuộc chuyển đổi số.
“Các nền tảng thương mại điện tử cần nắm chắc hai yếu tố. Thứ nhất là đối tác thanh toán kỹ thuật số đáng tin cậy. Thứ hai là hệ thống và dây chuyền logistics vững chắc. Đó là hai điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử, bao gồm cả các nhà bán lẻ đã hoặc sắp có ý định đưa sản phẩm lên kênh online, quản lý hiệu quả việc kinh doanh, thậm chí đưa sản phẩm xuyên biên giới. Nhất là khi muốn thâm nhập những thị trường tiềm năng như Singapore chẳng hạn, sẽ có thể thông quan nhanh chóng và xử lý giấy tờ dễ dàng hơn nhiều”, ông James đề cập.
Vị cố vấn cũng liệt kê một số giải pháp giúp các doanh nghiệp bán lẻ phần nào giải quyết vấn đề vận chuyển. Chẳng hạn như những tòa nhà lớn, chung cư hay văn phòng, đều là những khu vực thuận tiện cho việc giao – nhận hàng hóa. Người tiêu dùng có thể nhận sản phẩm trong thời gian ngắn và chủ động hơn, không tiếp xúc với nhân viên giao hàng. Trong khi các đơn vị vận chuyển, chuyển phát nhanh có thể giao hàng loạt gói hàng cùng lúc, cùng địa điểm, tiết kiệm nhân sự và thời gian, đảm bảo an toàn cho cả đôi bên.
Qua những chia sẻ trên của Vaughan Ryan và James Root, có thể thấy bên cạnh nền tảng công nghệ, hệ thống logistics đóng vai trò quan trọng không kém đối với các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, đầu tư vào hệ thống này hoặc tìm kiếm một đối tác thật sự đáng tin cậy là điều mà họ cần thực hiện càng sớm càng tốt để bắt kịp xu hướng và nhu cầu ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ của người tiêu dùng toàn thế giới.
Nguồn: VnExpress
Chú thích ảnh: Nhân viên kiểm tra đơn hàng được phân loại và sắp xếp trên các kệ hàng trong nhà kho tại trung tâm logistics – thương mại điện tử SingPost, Singapore, ngày 1/11/2016. Ảnh: AFP.