Nhiều tỉnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch khiến người tiêu dùng bị mắc kẹt tại nhà suốt nhiều ngày và chuyển sang các giao dịch trực tuyến.
“Trong khi Covid-19 đem lại những thay đổi đáng lo ngại cho cuộc sống và kinh tế, mặt khác nó cũng đã mở ra một cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thương mại điện tử,” theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL.
Với nền tảng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh và mạng 4G, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
“Có thể thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất,” bà Trang chia sẻ.
Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản JLL (NYSE: JLL) dự báo, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 25-30 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo của JLL, Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình 3 vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dọc xuyên suốt đất nước. Với tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê đến Quý 2/2021 lần lượt tại miền Bắc là 9.700 ha và 1,9 triệu m2; miền Trung là 6.600 ha và 30.500 m2; và miền Nam là 25.200 ha và 3,2 triệu m2.
Quý 2/2021 đã chứng kiến các thương vụ đầu tư mới, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. Thị trường cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam, có thể xem là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả trong đại dịch.
“Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định,” bà Trang nhận định.
Tuy nhiên, sự lây lan của Covid-19 cũng đã có những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất; nhà xưởng thiếu hụt lao động do những hạn chế di chuyển; kết nối hậu cần ghi nhận sự gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm vì hàng hóa buộc phải phân loại thành thiết yếu và không thiết yếu. Hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ chịu nhiều sức ép trong vấn đề làm thế nào để vừa đáp ứng các chính sách an sinh xã hội vừa đảm bảo dịch vụ được vận hành hiệu quả.
Các lĩnh vực như: Thực phẩm ăn uống (FMCG), thương mại điện tử, dược phẩm và kho lạnh sẽ có nhiều nhu cầu thuê mua không gian kho bãi bổ sung cạnh các khu đô thị. Mặt khác, một số lĩnh vực như ô tô, máy móc hạng nặng và hóa chất có thể tìm kiếm những hợp đồng cho thuê ngắn hạn xa khu vực trung tâm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao khoảng 25% so với đầu năm, đặc biệt là giá thép trong nước tăng mạnh. Việc tăng giá thép và các loại vật liệu xây dựng sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án. Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
“Tình trạng khan hiếm thép và giá cả không ngừng biến động thời gian qua là do sự mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Nhu cầu của các nước tăng đột biến sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 1. Đặc biệt là nhu cầu thu mua cao của Hoa Kỳ, thể hiện thông qua sự chệnh lệch mặt bằng giá thép lớn chưa từng có giữa thị trường Mỹ và Asean. Trong khi đó, 1 phần nguyên nhân quan trọng khác chính là việc cắt giảm sản lượng sản xuất và hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc – một trong các nguồn cung ứng thép thô chính trên thế giới – nhằm hạn chế tác động tiêu cực của khí thải đến môi trường,” ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc – NS BlueScope Lysaght Việt Nam cho biết.
“Trước sự bất ổn định của giá nguyên vật liệu xây dựng đặc biệt là giá thép, các nhà sản xuất cần có những giải pháp để hạn chế rủi ro bằng việc đa dạng nguồn cung ứng, thay đổi cách lập kế hoạch vận hành sản xuất, và đa dạng hóa các phương án lựa chọn cho khách hàng với những giải pháp phù hợp trong cả ngắn và dài hạn”, ông Trí nhận định.
Nhìn về tương lai, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, xem xét kỹ lưỡng các danh mục đầu tư trước khi triển khai vốn cho các khoản đầu tư bất động sản. “Tuy nhiên, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm tăng tốc ồ ạt đã đảm bảo rằng logistics và công nghiệp vẫn là loại tài sản tăng trưởng vững vàng hơn so với các loại tài sản bất động sản khác năm 2021,” bà Trang nhận định.
Qua quan sát của JLL, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận thị trường logistics và công nghiệp này ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn. Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Nguồn: Báo Dân Sinh