Ngày đầu tiên, đoàn đã đến viếng và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đồng chí tại Khu Di tích Lịch sử Tàu không số Vũng Rô – Phú Yên. Tại đây, Đảng ủy Tổng Công ty đã tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa trong việc xây dựng, hình thành và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tổng Công ty và cơ sở gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “.
Tại hội nghị đã có 10 ý kiến tham luận tập trung các giải pháp tuyên truyền về xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên và đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy; về nhận diện những biểu hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tại cơ quan, doanh nghiệp; về triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tổng Công ty và cơ sở…
Phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề, đồng chí Trương Văn Rón, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty yêu cầu Đảng ủy và cấp ủy các cơ sở trực thuộc tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi vào chiều sâu, đẩy mạnh xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ quan, doanh nghiệp; đồng thời xác định việc xây dựng không gian văn hóa là một quá trình lâu dài nên cần tuyên truyền thường xuyên giúp cho cán bộ, đảng viên và người lao động toàn Tổng Công ty hiểu, từng bước thấm nhuần và thực hành các hoạt động văn hóa một cách tự giác.
Trong chuyến hành trình, đoàn đã đến viếng, dâng hương, dâng hoa và làm lễ tưởng niệm tại Di tích lịch sử vụ thảm sát 79 người dân vô tội Ngân Sơn – Chí Thạnh vào ngày 7/9/1954 và vụ thảm sát Bình An, nơi 380 người dân ở huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn bị lính Nam Triều Tiên sát hại dã man vào ngày 26/2/1966.
Đoàn cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Quốc gia Thành An Thổ, nơi sinh Cố Tổng Bí thư Trần Phú; tham quan Bảo tàng Quang Trung là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở Bình Định, nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, là một trong những cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc thành công nhất ở nước ta; đến viếng Đền thờ Lương Văn Chánh, vị Thành Hoàng có công lớn khai khẩn đất Phú Yên thời nhà Nguyễn.
Đặc biệt, đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường Quy Nhơn, đây là nơi đầu tiên trên cả nước đặt tượng đài của Bác khi còn trẻ và thân sinh của Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc, vừa là biểu tượng của sự gắn bó máu thịt giữa tình cảm gia đình với tình yêu quê hương đất nước, vừa khắc họa lên hành trình dấn thân vào con đường cứu nước của Bác.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc nhằm đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh; giúp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt Tổng Công ty đề ra các giải pháp triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng thời, qua hoạt động về nguồn, tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở và hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh của toàn Satra cùng các doanh nghiệp thành viên.
Sỹ Bình Phong
Nguồn: //www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/satra-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-cac-phuong-thuc-xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-1491906117