Ghi nhận tại TP.HCM, giá bán lẻ nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt so với mức cao tuần trước đó. Tuy nhiên, giá nhiều dịch vụ, thực phẩm khô, đồ hộp… vẫn trên trời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị Emart xác nhận đã làm việc với các nhà cung cấp nhưng hiện hầu như chưa có mặt hàng nào được giảm giá.
Theo vị này, các nhà cung cấp đã cam kết xem xét lại giá thành đầu vào để điều chỉnh giá bán cho phù hợp, nhưng không nói rõ là khi nào điều chỉnh, điều chỉnh cho mặt hàng gì.
“Mặt hàng tươi sống chịu tác động từ giá xăng dầu trực tiếp nên tăng và giảm cũng sẽ nhanh nhưng các mặt hàng khô, chế biến sẽ lâu hơn, có thể phải cần 1,5 tháng để thay đổi giá bán”, vị này nhận định.
Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết nhờ gây áp lực với nhà cung cấp nên giá một số mặt hàng tươi sống đã giảm 5%.
Còn lại, các mặt hàng đồ khô, sản phẩm chế biến dù đã ngưng đà tăng giá liên tục trước đó, nhưng chưa biết khi nào giảm giá. Các nhà sản xuất và cung ứng cho rằng nguồn nguyên liệu được doanh nghiệp nhập vào lúc giá xăng dầu ở mức cao nên giá hàng hóa bán ra phải cao tương ứng.
“Chúng tôi lấy thông tin “Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá” để làm việc với nhà cung cấp nên đối tác không dám tăng giá tiếp. Tuy nhiên, nếu nhà cung cấp có lý do hợp lý thì đơn vị không có quyền buộc họ phải giảm giá bán được”, vị này kêu khó.
Trong khi đó, đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết đã làm việc với nhiều nhà cung cấp thực phẩm lớn và đưa ra lộ trình 1 tháng (từ thời điểm giá xăng xuống mốc hơn 25.000 đồng/lít) để giảm giá nếu giá hàng hóa, giá xăng dầu giữ ổn định.
Trường hợp nhà cung cấp không cho giá bán hợp lý sẽ ngưng lấy hàng. “Nhà cung cấp không bán nơi này sẽ bán nơi khác, trong khi các siêu thị cần 2 – 3 tháng mới đưa sản phẩm mới vào bán. Do đó, các siêu thị cần đồng lòng cùng ngưng nhập hàng hóa giá neo cao để bình ổn thị trường”, vị này đề xuất.
Về phía các nhà cung cấp, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết giá bán chưa giảm được vì xăng chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu giá thành, trong khi giá nguyên liệu tăng. Chưa kể hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều chưa chịu giảm giá cước.
“Chúng tôi cũng muốn giảm giá bán để bán được nhiều hàng hóa hơn, nhưng sản phẩm của tôi bán ra chịu cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng các yếu tố này đều không giảm giá như giá xăng dầu. Cơ quan chức năng không nên đánh đồng mọi hàng hóa để bắt giảm giá theo giá xăng”, vị này kiến nghị.
NGUYỄN TRÍ
Nguồn: