Tính đến thời điểm này, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành rà soát, đánh giá và công bố đạt tiêu chí về kiểm soát dịch COVID-19.

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh… tại những quận, huyện này đang khẩn trương tổ chức các phương án mở cửa trở lại hoạt động bán lẻ, phân phối và chuẩn bị sẵn sàng phục vụ người dân ở địa phương.

Các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đạt tiêu chí về kiểm soát dịch COVID-19 có thể kể đến như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè; quận 7, 5, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình; thành phố Thủ Đức… Các địa phương này đều đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp liên ngành, cùng chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra việc đáp ứng điều kiện về an toàn phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống bán lẻ, phân phối tại “vùng xanh” nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung.

Thông qua đó, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi tái mở cửa trở lại hoạt động thương mại, nhất là mạng lưới chợ đầu mối và chợ truyền thống tại các địa phương.

Để chuẩn bị cho việc tái mở cửa lại hoạt động thương mại, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kênh bán lẻ hiện đại và cả mạng lưới chợ truyền thống.

Đồng hành cùng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và ngành công thương, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh… tại “vùng xanh” được phép mở cửa bán buôn đã triển khai linh hoạt mô hình kinh doanh để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường.

Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiêm cứu, xem xét dự thảo về kế hoạch sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại) sau ngày 30/9. Lộ trình mở lại kênh bán lẻ, phân phối không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm… từ đó từng bước cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh… về việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nhiều địa phương, phục vụ người dân sau ngày 30/9/2021. Đồng thời, ngành công thương và lực lượng liên ngành sẽ có kế hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Hơn thế nữa, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, xây dựng phương án phù hợp trong tổ chức hoạt động trở lại mạng lưới chợ truyền thống đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Riêng đối với kế hoạch đi chợ, siêu thị… của người dân sau ngày 30/9, hệ thống bán lẻ, phân phối báo cáo kế hoạch nguồn hàng, đưa ra phương án, cam kết nguồn hàng… khi nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Nhân rộng mô hình “doanh nghiệp xanh,” “hộ kinh doanh xanh”

Là địa phương đã công bố đạt tiêu chí về kiểm soát dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đang nhân rộng mô hình “doanh nghiệp xanh,” “hộ kinh doanh xanh”… và từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thông qua cấp mã QR khai báo y tế điện tử. Hiện tại trên địa bàn quận có hơn 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc; xây dựng, dịch vụ công… được phép thí điểm hoạt động khi địa phương này được công nhận là “vùng xanh.”

Còn trước những yêu cầu mới của thị trường và người tiêu dùng, bà Trương Mỹ Kiều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 5, cho hay chủ trương của chính quyền địa phương là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân với giá cả bình ổn. Do đó, chính quyền địa phương, nhất là phòng kinh tế quận 5 sẽ bám sát diễn biến dịch bệnh và thị trường để có phương án tái mở cửa hoạt động giao thương từng bước.

Ngoài ra, phòng kinh tế quận 5 đang chuẩn bị dần cơ sở vật chất, biện pháp phòng chống dịch COVID-19… phục vụ cho việc tái mở cửa mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn, nhằm giảm áp lực cho kênh phân phối hiện đại. Bước đầu, Ủy ban Nhân dân quận 5 sẽ triển khai tái mở cửa lại chợ Hòa Bình, An Đông.

Mới vừa được tổ chức trong khoảng một tuần, nhưng mô hình “Phiên chợ dã chiến” tại quận 5 đã nhận được sự hưởng ứng của người dân sinh sống trên địa bàn. Với phương thức tổ chức “Phiên chợ dã chiến” luân phiên ở nhiều phường, khu dân cư… thuộc “vùng xanh” trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân quận 5 đã tạo điều kiện thuận cho người dân mua sắm, đi chợ đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Anh Đào (trú tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ khi nắm bắt thông tin về “Phiên chợ dã chiến” gia đình vẫn có tâm lý quan ngại dịch bệnh nên không mặn mà đi chợ và vẫn giữ thói quen mua sắm online với hình thức giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, sau khi tham gia mua sắm tại “Phiên chợ dã chiến,” chị Đào nhận thấy phiên chợ được tổ chức đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khá đa dạng chủng loại với giá bình ổn nên chị rất an tâm.

Tương tự, anh Hoàng Sơn (trú tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vài ngày gần đây, chính quyền địa phương phối hợp cùng siêu thị Co.opmart Củ Chi thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức bán hàng lưu động cho người dân trên địa bàn xã Thái Mỹ. Ban đầu, gia đình không dám tham gia, nhưng sau khi quan sát thấy hoạt động bán buôn được tổ chức xếp hàng trật tự và thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo quy định nên đã trở lại kênh mua sắm trực tiếp.

Ghi nhận ý kiến của người dân trên địa bàn được công bố đạt tiêu chí về kiểm soát dịch COVID-19 cho thấy, dù khá mong đợi kênh bán lẻ, phân phối trực tiếp được tái mở cửa hoạt động trở lại, nhưng người dân cũng kỳ vọng hoạt động giao thương phải đảm bảo tiêu chí an toàn để bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19.

Mặt khác, người dân chỉ ưu tiên ủng hộ những doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh… có ý thức và nâng cao nhận thức đối với dịch COVID-19 trong bảo vệ an toàn cho cả điểm bán buôn và khách hàng.

Thống kê đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động những điểm tập kết, trung chuyển lương thực, thực phẩm, nông sản… tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn. Còn những địa bàn “vùng xanh” cũng đã tổ chức cho người dân đi chợ một lần/tuần theo đúng quy định và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Tại quận 7 đã tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu một lần/tuần tại chín siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích; huyện Củ Chi có 14/14 xã vùng xanh tổ chức điểm cung ứng đang hoạt động; huyện Cần Giờ triển khai 13.468 phiếu đi chợ tại 8 chợ với 156 tiểu thương đang hoạt động; nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân thông qua mô hình “đi chợ hộ” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm dần./.