Sự kiện này đã làm lung lay quan niệm cố hữu trong lĩnh vực bán lẻ là phần thắng luôn thuộc về kẻ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thực tế cho thấy con người mới quyết định tất cả. Thế nhưng, tại Việt Nam, diễn tiến của ngành bán lẻ lại không như vậy. 

Khối ngoại đang thắng thế

Tháng 11-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bắt đầu thực thi những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mạnh mẽ, trong đó có dịch vụ phân phối.

Nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan, cho rằng mở cửa sẽ không tác động nhiều đến bán lẻ vì chúng ta có một Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) mạnh mẽ, nắm trong tay chuỗi siêu thị Co.opmart đang “làm mưa, làm gió” ở kênh phân phối hiện đại. Co.opmart còn thu hút nhiều cảm tình của người tiêu dùng và nhận được sự đồng hành xuyên suốt của các cấp lãnh đạo.

Thậm chí, có ý kiến lạc quan tin rằng, Saigon Co.op sẽ làm được điều kỳ diệu như ở Hàn Quốc, tức là tập hợp và phát huy lợi thế sân nhà, tạo sức mạnh tổng thể để “đẩy lùi” các thương hiệu nước ngoài khác.

Bởi lẽ, cho dù  là ai, khi vào Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết ưu tiên cho hàng hóa trong nước, dùng người Việt để tham gia vận hành bộ máy của chuỗi bán lẻ, đặc biệt là hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ quyết định đến sự thành bại của thương hiệu. Khi đó, bên cạnh Saigon Co.op, chúng ta còn có Citimart, Maximark, Hapro, Phú Thái….

Nhưng cũng có chuyên gia tỏ ra bi quan, vì không phải đến khi gia nhập WTO, Việt Nam mới mở cửa thị trường. Trước đó, thị trường Việt cũng đã mở và “hàng rào” bán lẻ đã bị xuyên thủng với sự hiện diện của Big C và Metro Cash&Carry dưới hình thức hợp tác với DN trong nước để mở điểm bán. Nhiều khả năng thị trường bán lẻ sẽ bị “nuốt chửng” bởi các tập đoàn nước ngoài, chỉ sau vài năm mở cửa. 

Sau 10 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ hiện đại đã phát triển như vũ bão, với sự vào cuộc khá đầy đủ của những thương hiệu hàng đầu thế giới, góp phần làm thay đổi bộ mặt của ngành thương mại, người dân cũng được trải nghiệm nhiều hình thức mua sắm mới mẻ, đa dạng hơn.

Tuy nhiên, sự tăng tốc của ngành bán lẻ đã không tạo ra thế cân bằng, những ý kiến lạc quan ban đầu đang dần tan biến khi miếng bánh thị phần, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) dần rơi vào tay các DN nước ngoài với 53% doanh thu.

Dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), đến năm 2020, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh khoảng 68,3% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. 

Các DN nước ngoài cũng không dừng đổ vốn để cơ cấu lại các điểm bán cũ và mở thêm các điểm bán mới.

Như Tập đoàn Central Group Việt Nam, sau khi rót 5,5 tỷ USD để mua các chuỗi bán lẻ của Big C và của các DN khác, ngày 22-8 vừa qua, tập đoàn thông báo sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD để mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam.

Lotte thì đang có kế hoạch nâng số cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam từ 13 lên 87 vào cuối năm 2020. Doanh số của Lotte tại thị trường Việt Nam đã tăng mạnh từ 62 tỷ won (khoảng 1.280 tỷ đồng) năm 2011 lên 266 tỷ won (khoảng 5.497 tỷ đồng) năm 2017…

Bên cạnh đó, các DN này cũng chi rất mạnh tay để “săn đầu người”, trong đó chủ yếu là người Việt có sự am hiểu sâu sắc về bán lẻ. Dự báo, chỉ vài năm nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chia phần xong mảnh đất bán lẻ màu mỡ tại Việt Nam. 

Lo vỡ trận!

Trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài đang bước vào cuộc đua tốc lực, các nhà bán lẻ trong nước lại tỏ ra đuối sức, hoạt động cầm chừng. Thậm chí, có thông tin cho rằng đã và đang xuất hiện sự thiếu nhất quán về điều hành tại một nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Hậu quả là cả 2 người đứng đầu DN này đang làm đơn xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Nếu điều này là đúng thì một thương hiệu lớn về bán lẻ trong nước có nguy cơ tan vỡ.

Trước thông tin này, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ tỏ ra không mấy ngạc nhiên, theo ông điều này thực chất sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.

Nhiều người quá kỳ vọng vào DN này, nhưng tầm ảnh hưởng của nó lại ngày càng bị thu hẹp, khách hàng thì mất dần vào tay đối thủ, dẫn đến cuộc tháo chạy của những người đứng đầu là đương nhiên.

“Sức nóng” của hội nhập, mở cửa thị trường sẽ không chừa bất cứ một DN nào nếu họ thiếu tầm nhìn và định hướng tốt.

Ở một góc độ khác, giám đốc một trung tâm nghiên cứu kinh doanh cho rằng, DN bán lẻ trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, một phần do chúng ta đẩy họ vào đường cùng.

Việt Nam có nhận thức về việc cần bảo hộ DN trong nước, có chủ trương và có mong muốn thiết tha nhưng lại không có chiến lược và chính sách thực thi bài bản.

Nguyên nhân chính được cho là từ quan điểm cố hữu. Trong nền kinh tế bao cấp, chúng ta có “khuyến công, khuyến nông” mà không có “khuyến thương”.

Nói cách khác, chúng ta chỉ coi trọng sản xuất còn phân phối bị xem là buôn đầu chợ, bán cuối chợ, buôn nước bọt, không tạo ra giá trị, do vậy không hề có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế… cho lĩnh vực phân phối.

Đến khi vào WTO, lại rơi vào một cực đoan khác, có thể do không hiểu kỹ, có khi do lợi ích. Ví dụ, những điều mà WTO không cấm như hỗ trợ DN trong nước như đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, tiếp thị thương hiệu chung (tập thể)… thì không làm.

Trong khi lại dồn vào ưu ái, ưu tiên cho DN nước ngoài vì coi đây là thành tích thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không đảm bảo một môi trường kinh doanh và cạnh tranh công bằng, lành mạnh để người làm ăn chân chính không gặp rủi ro cao vì “thua” hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ, thậm chí hàng độc hại vẫn hoành hành, tràn lan.

Một chuyên gia khác cũng đồng quan điểm khi phân tích, các chính sách bảo hộ ngành bán lẻ trong nước thời gian qua không phát huy tác dụng. Mặc dù được WTO chấp nhận cho áp dụng chính sách “xem xét nhu cầu kinh tế”- ENT trước khi cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài được mở cửa hàng thứ 2 trở đi ở Việt Nam.

Thế nhưng, từ khi gia nhập WTO, hệ thống siêu thị của nước ngoài đã liên tục phát triển, gần đây là cuộc đổ bộ của các nhà phân phối lớn từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Một minh họa cụ thể là trên đoạn đường rất ngắn tại quận Gò Vấp, TPHCM hiện có tới 5-6 siêu thị chen nhau hoạt động.

Chúng ta chỉ có thể tự trách mình về việc để mất dần “sân nhà”. DN Việt chưa thực sự tận dụng tốt những thế mạnh để vươn lên, chưa có những bước đi chiến lược phù hợp với thị trường để thu hút người tiêu dùng.

Năng lực cạnh tranh của DN cả trong ngành bán lẻ và các ngành sản xuất là quá chậm, những DN sản xuất lớn thì mải miết lao vào xuất khẩu hoặc các lĩnh vực bong bóng một thời mà ít để ý đến việc giữ “sân nhà”. Sự kết nối giữa các DN còn lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp nên chưa tạo ra những sản phẩm riêng biệt, có giá cả cạnh tranh. 

Để nâng cao vị thế của DN nội, không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, nhất là tạo cho DN Việt cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh.

Cần một cuộc tổng rà soát để nắm bắt DN đang thiếu gì, cần bồi bổ gì để giúp họ bứt phá, bằng không sẽ khó thoát khỏi tình trạng co cụm, cô lập. Mở cửa thị trường, ai nắm giữ hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đây là quy luật! 

Thúy Hải/ SGGP