Sự tăng tốc của thị trường bán lẻ đã không tạo ra thế cân bằng, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) dần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài với 53% doanh thu.
Các “ông lớn” FDI ngày một bành trướng
Đơn cử như “ông lớn” Thái Lan là Central Group đã chi 5,5 tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong 3 năm qua. Central Group đã sở hữu Big C Việt Nam với giá thị thương vụ 1,14 tỷ USD. Trước đó, cũng chính Central Group đã mua lại tỷ lệ cổ phần chi phối với Nguyễn Kim, hệ thống phân phối hàng điện tử hàng đầu; và sau đó Nguyễn Kim là đơn vị mua lại Zalora Việt Nam.
Đặc biệt, người đứng đầu Central Group Việt Nam còn tuyên bố: “Doanh nghiệp sẽ đầu tư tiếp 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, mở khoảng 200 cửa hàng bán lẻ và ưu tiên vẫn là các lĩnh vực thương mại mà chúng tôi đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, vào cuối tháng 8 vừa qua.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Tập đoàn Lottle Mart cũng đã có kế hoạch nâng số cửa hàng bán lẻ từ 13 lên 87 vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại này cũng sẵn sàng “chịu chi” để săn nhân sự – chủ yếu là người Việt có sự am hiểu về sâu sắc về thị trường bán lẻ Việt Nam. Với tốc độ của cuộc đua này, các nhà phân tích cho rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chia xong mảnh đất “màu mỡ” tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn trùng với dự báo của Tập đoàn Euromonitor (Anh), đến năm 2020, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh khoảng 68,3% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
ENT bị “vô hiệu hoá”?
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này, trong đó phải kể đến việc thực thi chiến lược và chính sách về bảo hộ chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, mặc dù được WTO chấp nhận cho áp dụng chính sách “xem xét nhu cầu kinh tế” (ENT) trước khi cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài được mở cửa hàng thứ 2 trở đi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ENT này hoàn toàn bị “vô hiệu hoá” khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ M&A hoặc lựa chọn cách liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, khi thực hiện M&A, doanh nghiệp không những không bị xem xét ENT mà còn nghiễm nhiên có thêm nhiều điểm phân phối mới. Ví dụ như câu chuyện của Central Group, sau khi M&A Big C và Metro, doanh nghiệp này có tới 51 điểm bán hàng, trong đó 32 điểm của Big C và 19 điểm của Metro.
Chính vì vậy, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga -Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nhằm tăng cường tính kết nối giữa hệ thống phân phối thị trường trong nước và nước ngoài, Bộ Công thương đẩy mạnh ký thoả thuận hợp tác về việc thúc đẩy đưa hàng hoá của Việt Nam tham gia vào hệ thống phân phối của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam hoặc nước ngoài, với những cam kết về tỷ lệ nhất định.
Ngoài ra, bà Nga cũng cho biết: “Song song với đó, hiện nay Bộ cũng kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong đó đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hoàn thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các kênh phân phối hiện đại này”.