Trong nước

Chiều ngày 2/4/2019, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăngE5RON92 tăng 1,377 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1,484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1,219 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1,086 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1,127 đồng/kg. Theo đó, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:

– Xăng E5RON92: 2,042 đồng/lít (kỳ trước chi 2,801 đồng/lít);

– Xăng RON95: 1,304 đồng/lít (kỳ trước chi 2,061 đồng/lít);

– Dầu diesel: 0 đồng/lít (kỳ trước chi 1,343 đồng/lít);

– Dầu hỏa: 0 đồng/lít (kỳ trước chi 1,065 đồng/lít);

– Dầu mazut: 362 đồng/kg (kỳ trước chi 1,640 đồng/kg).

Sau khi thực hiện việc trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường:

– Xăng E5RON92: tăng 1,377 đồng/lít;

– Xăng RON95-III: tăng 1,484 đồng/lít;

– Dầu diesel 0.05S: tăng 1,219 đồng/lít;

– Dầu hỏa: tăng 1,086 đồng/lít;

– Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 1,127 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:

– Xăng E5RON92: không cao hơn 18,588 đồng/lít;

– Xăng RON95-III: không cao hơn 20,033 đồng/lít;

– Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17,087 đồng/lít;

– Dầu hỏa: không cao hơn 15,971 đồng/lít;

– Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15,210 đồng/kg.

Kể từ 17 giờ ngày 02/04/2019 là thời điểm áp dụng giá mới đối với các mặt hàng xăng dầu.

Lý giải nguyên nhân giá xăng, dầu tăng cao, Liên Bộ cũng cho biết, do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao những ngày qua. Theo số liệu của Bộ Công thương, 15 ngày qua có lúc giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 là gần 75 USD/thùng, RON 95 gần 76,43 USD/thùng, tăng 4 – 5% so với kỳ điều hành trước

Cùng với giá xăng, giá khí gas trong nước cũng được các doanh nghiệp kinh doanh điều chỉnh tăng 7.000 đồng/bình 12 kg – đây là lần tăng thứ 4 kể từ đầu năm đến nay với tổng mức tăng 40.000 đồng. Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng là 356.000 đồng/bình 12 kg.

Nguyên nhân giá gas điều chỉnh tăng do giá gas thế giới tháng 4/2019 công bố ở mức 225 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tháng 3/2019.

Thế giới

Các hợp đồng dầu thô tương lai khép lại một tuần đầy mạnh mẽ với đà tăng vào ngày thứ Sáu (05/04), trong đó dầu Brent vượt lên trên ngưỡng quan trọng 70 USD/thùng khi nhà đầu tư vẫn tập trung vào các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn tiến 94 xu (tương đương 1.4%) lên 70.34 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 08/11/2018. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 4.1%, đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex cộng 98 xu (tương đương 1.6%) lên 63.08 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4.9%. Hợp đồng này đã tăng liên tiếp 5 tuần. Dầu WTI đã bứt phá gần 39% từ đầu năm đến nay, còn dầu Brent vọt 30.7%.

Theo chuyên gia phân tích chứng khoán tại Jefferies, ông Jason Gammel nhận định, giá dầu tăng trong tuần qua nhờ các chủ đề bao gồm sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia (nếu không phải OPEC+), các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu của Iran/Venezuela, và nhu cầu dường như vẫn còn mạnh mẽ. Tổng dự trữ thương mại tại Mỹ đã giảm 38 triệu thùng trong 10 năm qua, một dấu hiệu tốt cho thấy tồn kho ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang suy giảm.

Dầu thô đã chìm vào sắc đỏ vào đầu phiên ngày thứ Sáu, nhưng quay đầu tăng cao sau báo cáo việc làm tháng 3 tốt hơn dự báo. Dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 15 giàn trong tuần này lên 831 giàn, dẫu vậy, dữ liệu đã không làm ảnh hưởng đến đà tăng của giá dầu. Số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng sau 6 tuần sụt giảm liên tiếp.

Dầu đã nhảy vọt từ cuối năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy nhờ động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Saudi Arabia, cùng với các nhà sản xuất đồng minh, dẫn đầu là Nga.

Các nhà phân tích cho biết có lo ngại rằng sự gia tăng của giá dầu có thể mang lại ít nhất một phản ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm chậm bước tiến của dầu.

Giá dầu leo dốc sẽ khiến Chính phủ Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran về 0 càng nhanh càng tốt, Eugen Weinberg, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, nhận định. Các lệnh miễn trừ cấm vận của Mỹ đối với các nước nhập khẩu dầu từ Iran sẽ hết hạn vào đầu tháng 5/2019. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã cho phép miễn trừ cấm vận vào tháng 11/2018 khi giá dầu leo cao để đối phó với sự thắt chặt sản lượng từ OPEC, vốn được thắt chặt hơn do sự sụt giảm sản lượng ở Venezuela, và dự báo về cách lệnh trừng phạt Iran.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 1.5% lên 1.9687 USD/gallon, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 16/10/2018. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 cộng 1.4% lên 2.0424 USD/gallon

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 tăng 1.1% lên 2.664 USD/MMBtu.

Triển vọng giá dầu tuần từ 8-12/4, dẫn nguồn tin từ NDH, nhà đầu tư trong tuần sẽ theo dõi xem các quỹ phòng hộ và những bên khác, với vị thế dài hạn, có bán dầu thô chốt lời sau 5 tuần giá tăng liên tiếp hay không.

Nguồn cung dầu từ OPEC trong tháng 3 giảm 295.000 thùng/ngày xuống 30,385 triệu thùng/ngày, tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Sản lượng của Arab Saudi chạm đáy 4 năm 9,82 triệu thùng, theo khảo sát của Bloomberg cùng số liệu hàng hải.

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất, theo chỉ số Caixin, tăng vượt kỳ vọng trong tháng 3, phần nào xoa dịu lo ngại về một đợt giảm tốc tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đà tăng của giá dầu trong tuần trước không bị ảnh hưởng ngay cả khi Viện dầu mỏ Mỹ (API) ngày 2/4 thông báo tồn kho dầu thô trong tuần trước đó tăng, trái ngược kỳ vọng giảm của thị trường. Chỉ đến ngày 3/4, khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) xác nhận tồn kho dầu trong tuần trước đó tăng 7,2 triệu thùng, thị trường mới đặt câu hỏi về lực cầu dầu thô.

Giá dầu Brent ngày 4/4 lần đầu vượt mốc 70 USD/thùng trong 5 tháng. Giá dầu WTI hôm 5/4 là 63,34 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2017, nhờ lực đẩy từ số liệu việc làm tốt trong tháng 3 và kỳ vọng Mỹ, Trung Quốc sớm đạt thỏa thuận thương mại.

Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tuần trước tăng thêm 15, lần tăng đầu tiên trong 7 tuần, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, nhưng diễn biến này đã bị phớt lờ.

Nhà đầu tư trong tuần cần theo dõi xem các quỹ phòng hộ và những bên khác, với vị thế dài hạn, có bán dầu thô chốt lời sau 5 tuần giá tăng liên tiếp hay không. Tồn kho dầu thô Mỹ hoặc số lượng giàn khoan dầu tiếp tục tăng có thể hạn chế đà tăng của dầu.

Phil Flunn, nhà phân tích năng lượng tại Price Futures Group, Chicago, nhận định bức tranh chung của dầu “vẫn là giá lên” nhưng “thị trường muốn có thêm thông tin trước khi đưa giá lên mức tiếp theo”.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.

Ngày 9/4

Viện dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu Mỹ.

Ngày 10/4

OPEC ra báo cáo hàng tháng.

EIA công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.

Ngày 11/4

IEA ra báo cáo hàng tháng về cung – cầu dầu thô.

EIA cập nhật hàng tuần về khí thiên nhiên.

Ngày 12/4

Baker Hughes cập nhật số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ.

Theo VITIC tổng hợp/Vietstock, Người đồng hành