Khai thác tối đa thị trường nội địa
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6.2020 (tháng thứ 2), nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, đạt 431.000 tỉ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỉ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỉ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, lý do khiến doanh thu bán lẻ tăng mạnh là bởi nguồn cung hàng hóa dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Theo các chuyên gia kinh tế, để lấy thị trường nội địa làm “đòn bẩy” giúp DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đòi hỏi bản thân các DN phải đẩy mạnh liên kết để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… qua đó thu hút người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều DN triển khai.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nói về hoạt động liên kết nội khối của DN, đại diện Công ty May 10 chia sẻ, đơn vị đã kết nối với nhiều DN trong nội khối, nội ngành để phát huy và tận dụng lợi thế của DN, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Thời gian tới, DN sẽ xúc tiến liên kết với các tập đoàn lớn như điện lực, than khoáng sản, hàng không, logistics để cung cấp các giải pháp và cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau qua đó cùng nhau đồng hành khai thác sức tiêu thụ của thị trường nội địa và gia tăng giá trị và doanh số cho các DN cùng ngành.
Thực tế cho thấy, không chỉ DN Việt Nam mới đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu qua đó khai thác thị trường nội địa mà các DN nước ngoài cũng mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, trong khi dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp việc Việt Nam kiểm soát tốt, đã tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Do đó, các DN trong nước cần tận dụng cơ hội này, khai thác tối đa thị trường nội địa, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trước các đối thủ quốc tế.
Cần những chính sách tổng thể
Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp DN đứng vững trong khó khăn sau dịch COVID-19, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các “thượng đế”, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ DN mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Nhiều DN bán lẻ cho rằng, Việt Nam với gần 100 triệu dân là thị trường rộng lớn cho DN khai thác, tiêu thụ hàng hóa. Nhưng hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ, thị trường nông thôn còn trống vắng hệ thống bán lẻ hiện đại. Kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa, song cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, doanh số những năm gần đây bị suy giảm 20 – 30%.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, các dịch vụ logistics.
Theo ông Thịnh, thời gian tới, những thủ tục hành chính thành lập DN sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cũng phải chủ động nắm bắt, chuyển hướng kinh doanh, đặc biệt là chuyển kinh doanh số trên các nền tảng thương mại điện tử. Như vậy để khai thác thị trường nội địa thời kỳ hậu COVID-19, ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước, bộ ngành và các địa phương thì DN bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nguồn: Laodong.vn