Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các đơn vị trong triển khai giải pháp phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương, cũng như những đơn vị liên quan không để đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tuy vậy, việc vừa thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và quy định phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo hoạt động thương mại trên địa bàn đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành công thương, doanh nghiệp, nhà bán lẻ… trên địa bàn thành phố.

Ghi nhận thực tế, Sở Công Thương  Tp. Hồ Chí Minh đã hình thành kênh bổ trợ phân phối, cung ứng hàng hóa; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp có năng lực và điều kiện tham gia cung ứng rau củ, quả, thực phẩm tươi sống…

Đồng thời, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện đã triển khai linh hoạt giải pháp phù hợp trong cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, bổ sung điểm bán đồng giá, bán hàng đăng ký trước…

Để đảm bào nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân được ổn định, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biết gây hoang mang, ngành công thương và UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện đã ưu tiên tổ chức đa dạng mô hình đưa hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, gồm đi chợ giúp, bán hàng qua điện thoại, giao hàng đến tận nơi theo yêu cầu…

Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, đã có 3/3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, 197/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động.

Cụ thể, tại một số quận, huyện đã tạm ngưng toàn bộ hoạt động của mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn và cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân chủ yếu từ kênh bán lẻ hiện đại.

Về các chợ đầu mối nông sản thực phẩm chỉ có chợ đầu mối Thủ Đức đang thực hiện vận hành trung tâm trung chuyển hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành về Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ, nhưng cũng chưa phát huy được hiệu quả khi sản lượng rau củ, quả chuyển về còn khiêm tốn so với quy mô dự kiến ban đầu và nhu cầu thị trường thành phố.

Trước thực trạng những mô hình phân phối, bán lẻ mới bổ sung không đủ sức thay thế cho mạng lưới chợ truyền thống, kênh bán lẻ hiện đại căng mình trước áp lực phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Bên cạnh đó, những giải pháp giảm mật độ lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Tp. Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang rất cần những giải pháp hiệu quả hơn trong lưu thông, cung ứng hàng hóa đến người dân.

Điển hình, việc nhanh chóng tổ chức lại điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành điểm bán nhỏ là rất cấp bách.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, với diễn biến trên thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh như hiện nay thì người dân chủ yếu mong muốn mua được hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân, xuất hiện những đơn vị kinh doanh tự phát, bán buôn đầu cơ qua mạng xã hội, nhóm cộng cộng… với giá cả “nhảy múa” và lực lượng chức năng khó kiểm soát hết được.

Điển hình, trong bối cảnh nhiều nhóm mặt hàng tươi sống như rau củ, quả; thủy hải sản; thịt gia sức gia cầm; trứng gia cầm… gặp khó về lưu thông, cung ứng từ tỉnh, thành về Tp. Hồ Chí Minh nên những đơn vị kinh doanh tự phát, bán buôn đầu cơ có nguồn cung ứng lại lợi dụng cơ hội tăng giá.

Còn người tiêu dùng đang có nhu cầu nên giá nào cũng mua, trong khi đơn hàng online đặt trên nhiều sàn thương mại điện tử, kênh bán lẻ bình ổn giá… bị ách tắc ở khâu giao hàng đến người dân.

Cùng quan điểm, ở góc độ người tiêu dùng, chị Sami, cư ngụ ở quận 12, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, hiện tại mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại sàn thương mại điện tử, kênh bán lẻ bình ổn giá… rất khó và phải chờ đợi rất lâu mới được giao hàng.

Ngược lại, trên group cộng đồng cư dân hoạt động bán buôn sôi động đa dạng hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống.

Tuy nhiên, giá bán hầu hết mặt hàng đều cao hơn giá bán tại những sàn thương mại điện tử, kênh bán lẻ bình ổn giá từ 10-50%.

Còn chị Cát Nguyên, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện chồng đang ở công ty thực hiện “3 tại chỗ”, nhà chỉ còn bà nội và hai con nhỏ nên ngại đi chợ hay đến điểm mua sắm trực tiếp.

Gia đình lựa chọn đặt hàng online, nhưng nhiều khi phải liên tục 3 ngày mới đặt được hàng và tiếp tục chờ thêm nhiều ngày sau đó mới được giao tới.

Về giá cả hàng hóa, chị Cát Nguyên cũng cho rằng, giá bán lương thực, thực phẩm trên mạng xã hội, nhóm cộng đồng… đã tăng hơn 50% so với trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội và “phi mã” hơn những nhiều sàn thương mại điện tử, kênh bán lẻ bình ổn giá…

Mặc dù vậy, để đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho gia đình, gồm người già và trẻ nhỏ nên gia đình cũng phải mua để dùng.

Báo cáo nhanh của thành phố Thủ Đức, các quận, huyện về tình hình điểm cung ứng hàng hóa, tập trung nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thấy hiện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực nâng số chợ truyền thống được hoạt động lên 37 chợ.

Một số chợ như chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận đã tổ chức cho 16 tiểu thương kinh doanh; Tân Chánh Hiệp, quận 12 có 30 tiểu thương; Nhơn Đức, huyện Nhà bè có 4 tiểu thương…

Để tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã gửi văn bản khẩn yêu cầu Sở Công Thương, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, cùng nhà bán lẻ, doanh nghiệp khẩn trương triển khai giải pháp tổ chức điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc các địa điểm, mặt bằng trống tại khu vực lân cận.

Song song đó, chính quyền địa phương phối hợp sở, ngành, nàh bán lẻ, doanh nghiệp kịp thời bổ sung kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Mới đây, ngoài đồng hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh thông qua cung cấp đội ngũ tổng đài viên hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 qua số điện thoại (028) 7100.6869, Công ty cổ phần Be Group (startup công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải công nghệ với ứng dụng gọi xe Be) còn công bố Chiến dịch “Thành phố gọi, Be sẵn sàng”.

Cụ thể, Be sẽ là kênh tiếp nhận, xác nhận thông tin những trường hợp cần hỗ trợ về nhu yếu phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Tổng Giám đốc Be Group, bà Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ, trên màn hình chính của ứng dụng Be, khi bấm vào nút “Cần hỗ trợ”, ứng dụng sẽ chuyển đến bản đăng ký thông tin dành cho người dân như họ tên, số điện thoại liên lạc, số người trong gia đình, các nhu cầu cần hỗ trợ, quận huyện đang sinh sống.

Người dân có thể tự đăng ký nhận hỗ trợ cho bản thân, gia đình hoặc đăng ký giùm các hoàn cảnh khó khăn khác.

Ngoài ra, từ hôm nay, lực lượng liên ngành gồm: Sở Công Thương, Công an Tp. Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện cũng sẽ phối hợp triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, về cho phép một số nhân viên của hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau; trong đó, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xác nhận danh sách và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên Cổng thông tin điện tử của sở phục vụ quản lý và truy xuất, kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Căn cứ vào danh sách được Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh xác nhận, Ban Giám đốc các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi cấp Thẻ công tác/Giấy xác nhận công tác cho nhân viên được lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau.

Còn Công an Tp. Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo các trạm, chốt phối hợp hỗ trợ và đảm bảo lưu thông cho nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố./.