Cục Thống kê TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM vừa có báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM trong quý I/2022.
Theo đó, trong quý I/2022, với việc căng thẳng chính trị trên thế giới, ảnh hưởng của dịch COVID-19, diễn biến giá cả thị trường ở một số nhóm ngành hàng như xăng dầu, sắt thép, vàng bạc, nguyên liệu sản xuất… có nhiều biến động.
Tuy nhiên, trong thời gian này, nhiều đơn vị kinh doanh đã triển khai các chính sách kích cầu trên nhiều phương tiện điện tử, kênh mua hàng trực tuyến, trực tiếp tại cửa hàng nhằm thu hút người tiêu dùng giúp cho nhóm ngành thương mại dịch vụ dần phục hồi và tăng trưởng.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 ước đạt 266.942,2 tỷ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ do lộ trình mở cửa hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 diễn ra vào các tháng đầu năm 2022 như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, du lịch… Vì vậy, doanh thu ở các ngành này vẫn còn hạn chế trong quý I/2022.
Tuy nhiên, trong quý I/2022, thị trường bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP.HCM lại có những tín hiệu tích cực, duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu ước đạt 161.343 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 60,44% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Nếu tính số liệu riêng lẻ qua các tháng 1, 2, 3 của quý I/2022 thì doanh thu ở nhóm ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng sau đều có mức tăng khá so với tháng trước.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 dự ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ; ngành lưu trú và ăn uống tăng 7,8% so với tháng trước…
TP.HCM vẫn duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30%-50% thị phần.
TP.HCM dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.
Cũng theo báo cáo, qua 3 tháng đầu năm 2022 hơn 98% các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2022 ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%); trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%).
Về kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM trong quý 1/2022 ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Thương trường