Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 dù chưa ghi nhận sự gia tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu và trị giá thu về đã tăng lên đáng kể với 53,91 nghìn tấn, trị giá 38,07 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng trị giá thu về tăng tới 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

11 tháng năm 2021, gạo Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… và đem lại kết quả khá tích cực.

Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi châu Âu tăng mạnh và nhập khẩu gạo của EU giảm trong năm nay.

EU hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.

Trong 11 tháng năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 37,39 nghìn tấn, trị giá 26,82 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm nay so với 64% của cùng kỳ năm 2020.

Một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.

Trong khi đó, ngoại trừ nhóm gạo hữu cơ, gạo huyết rồng… có sự sụt giảm mạnh 87% về khối lượng xuất khẩu sang EU. Các chủng loại gạo khác đều tăng mạnh như: Gạo trắng tăng 40,9%, gạo giống Nhật tăng 137,6%, gạo nếp tăng 323,2%.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng mạnh so với 11 tháng năm 2020 như: Gạo thơm tăng 17,5%, đạt bình quân 665 USD/tấn; gạo trắng tăng 41,8%; gạo giống Nhật tăng 7,5%, nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng… tăng 38,5%.

Dịch bệnh và giá cước vận tải biển tăng cao có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU trong năm 2022

Theo phân tích của Cục Xuất nhập khẩu, một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU trong những năm qua là bởi thuế suất EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao.

Đồng thời, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakixtan được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan và các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Tuy nhiên, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

“Với nhu cầu ổn định, đặc biệt nhu cầu ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, Cục xuất nhập khẩu nhận định.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong năm 2022 dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, cước vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao… có thể khiến việc khai thác các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường EU gặp khó khăn.

Nguồn: VnEconomy