Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM khẳng định, thành phố không thiếu hàng, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường. Nhưng thực tế, các kệ hàng trong siêu thị đã trống trơn từ sáng sớm.

Một trong những lý do của nghịch lý “hàng nhiều” nhưng “kệ vẫn trống” chính là sức mua của người dân, đặc biệt với hàng thực phẩm, rau củ quả tươi quá lớn. Tâm lý mua hàng găm giữ trước thời điểm giãn cách xã hội khiến các siêu thị hoạt động hết công suất, liên tục đưa hàng lên kệ nhưng vẫn không đủ bán.

Mặt khác, việc ba chợ đầu mối lớn và hơn 100 chợ truyền thống bán lẻ phải tạm đóng cửa để phòng chống Covid-19 đã gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân TP HCM.

Nhưng lý do lớn nhất khiến nguồn hàng dù nhiều mà không tới được các điểm bán, là việc lưu thông từ các kho hàng nằm ngoài TP HCM vào thành phố đang gặp khó khăn.

Chia sẻ với VnExpress, các hệ thống siêu thị mua hàng trực tiếp từ nông trại, hợp tác xã để phân phối cho biết, việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào thành phố đang khiến chuỗi cung ứng chậm lại và tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi đang tăng đầu xe để vận chuyển vào TP HCM, nhưng vẫn chưa thể thông suốt vì đang chờ sự giúp đỡ từ phía các bộ ngành. Công tác xét nghiệm còn tốn thời gian và chưa có sự điều phối, thống nhất giữa thành phố và các tỉnh, thành”, lãnh đạo một siêu thị ở TP HCM nói.

Hệ thống cũng đã nêu khó khăn với cơ quan ban ngành và đang chờ cơ quan chức năng hỗ trợ để chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt và dồi dào. Hiện, danh sách tài xế của họ cũng đã được gửi cho cơ quan ban ngành để được hỗ trợ sớm nhất.

Với các doanh nghiệp cung ứng hàng, họ cũng đang gặp khó khăn tương tự. Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt có trang trại trứng tại Tiền Giang, cung cấp mỗi ngày 800.000 đến 1 triệu quả cho TP HCM. Song ông Trương Vĩnh Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết đang vướng trong khâu vận chuyển từ Tiền Giang về TP HCM.

Hiện Tiền Giang yêu cầu tài xế chở hàng phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính. Quy định này, theo ông đang gây khó cho doanh nghiệp trong phân phối thực phẩm.

Ông giải thích, trước các tài xế chỉ phải trình giấy xét nghiệm âm tính bằng hình thức test nhanh, nhưng nay các tỉnh yêu cầu phải có giấy xét nghiệm RT-PCR. Để đáp ứng, ông đã chạy đôn chạy đáo khắp các bệnh viện để cho tài xế làm xét nghiệm, nhưng hầu hết bệnh viện đều quá tải, phải chờ 48 tiếng mới cho kết quả.

“Mới đây, tôi đã tìm được một bệnh viện để đăng ký test. Sau khi trình bày sự việc với mong muốn cần gấp thì họ hẹn 24 giờ sẽ có kết quả. Nếu trễ hơn, chuỗi cung ứng hàng hóa của công ty cho TP HCM sẽ bị chậm”, ông Thiện lo lắng.

Hôm qua Sở Công Thương cũng đã yêu cầu công ty đưa danh sách tài xế để hỗ trợ nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả trả về.

Là đơn vị cung ứng mỗi ngày khoảng hơn 11.000 con heo cho khu vực miền Nam, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P Việt Nam cho biết, các đối tác vận chuyển heo của CP từ Đồng Nai vào TP HCM và quay đầu cũng đang gặp khó vì phải trình giấy xét nghiệm âm tính RT – PCR.

“Nhiều đối tác họ chờ đợi lâu và bị gây khó khăn nên liên tục hủy đơn hàng. Một số chọn cách chỉ bán ở những nơi dễ vận chuyển. Do đó, lượng heo CP bán ra giảm 30%, chỉ còn khoảng 7.500 con một ngày”, ông Huy nói.

Chưa kể, ngoài việc cung cấp kết quả xét nghiệm RT – PCR thì các đơn vị cung ứng còn gặp khó khăn trong thủ tục đăng ký xe cũng như nơi tập kết hàng hóa do chợ đầu mối đóng cửa.

Để gỡ khó cho lưu thông, Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía nam của Bộ Công Thương vừa yêu cầu Bộ Y tế, Giao thông & Vận tải cùng vào cuộc. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng đề nghị các tỉnh, thành “tạo luồng ưu tiên đặc biệt” cho phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu.

UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với TP HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa. TP HCM được đề nghị tăng các điểm bán hàng thiết yếu, lưu động thay thế các cơ sở đang dừng hoạt động và sớm có biện pháp mở trở lại các chợ, siêu thị.

Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã có hướng dẫn tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và chở chuyên gia, công nhân qua lại TP HCM. Theo đó, ôtô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, ôtô chở công nhân, chuyên gia đi đến, đi qua TP HCM và ngược lại, hoặc quá cảnh qua địa bàn TP HCM được cấp thẻ nhận diện có mã QR.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, ngày 8/7, tổng lượng hàng về thành phố ngày 8/7 đạt 2.100 tấn, giảm hơn 34% so với ngày trước đó. Cụ thể, lượng hàng về các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa xung quanh 3 chợ đầu mối đạt khoảng 900 tấn.

Lượng hàng được các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, mạng xã hội, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn. Trong đó có 300 tấn thịt gia súc, 50 tấn thủy hải sản và khoảng 1.750 tấn rau củ quả, trái cây.