Thương mại điện tử luôn được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Chính vì thế, các ”ông lớn” không ngại ngần đổ tiền vào đầu tư, nhưng điều này sẽ là cơ hội hay thách thức để phát triển còn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của từng DN.
Thêm nhiều thương hiệu
Với ưu thế dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng internet cao và tỷ lệ mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng, các DN thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội phát triển ”chóng mặt” cả về số lượng, hình thức và dịch vụ. Theo thống kê, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến trong 5 năm trở lại đây có tốc độ tăng trưởng ổn định, xu hướng tăng dần đều trên 20%/năm, dự kiến đạt giá trị hàng hóa 5 tỷ USD vào năm 2020. Do đó, bên cạnh sự phát triển tự thân của các DN trong nước, nguồn vốn lớn trong và ngoài nước đã đổ vào lĩnh vực này tại Việt Nam cũng tăng cao.
”Miếng bánh béo bở” này hiện đang thu hút một lượng lớn vốn ngoại từ nhiều nước, nhất là khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Năm 2017, đã có hơn 20 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử được thực hiện với tổng giá trị 83 triệu USD. Thương vụ đáng chú ý gần đây nhất là việc tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com và STC Investmen đã rót tiền đầu tư vào Tiki. Theo thỏa thuận, việc hợp tác sẽ mở ra hàng loạt lĩnh vực thương mại xuyên biên giới, không chỉ bán hàng trực tuyến mà còn là vận tải, hậu cần, công nghệ, tài chính…
Trước đó, vào giữa năm 2016, thương vụ gây xôn xao nhất là Tập đoàn Alibaba chi khoảng 1 tỷ USD để thâu tóm Lazada – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đã có mặt tại Việt Nam, đứng trong top các DN thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam; đến đầu năm 2018, Alibaba tiếp tục rót thêm khoảng 2 tỷ USD vào Lazada. Ngoài ra, thị trường còn phải kể đến việc hợp tác giữa Chợ Điện Tử (chodientu.vn) với Saeronnet và CJ Korea Express (thuộc CJ Hàn Quốc)…
Không những thế, trong các DN thương mại điện tử dẫn đầu tại Việt Nam, trừ một số tên tuổi có thương hiệu mạnh, thuộc các tập đoàn lớn như Adayroi.com của Vingroup, Thế giới Di động, Điện máy Xanh… thì những thương hiệu còn lại đều đã có hoặc đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài như: Nguyễn Kim bán cổ phần cho Central Group (Thái Lan), Nhommua.com bán cổ phần cho Scroll (Nhật Bản), các DN Nhật Bản cũng sở hữu 33% cổ phần của Sendo… Với nguồn vốn trong nước, mới đây, Mekong Capital vừa công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã hoàn tất khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Vua Nệm- hoạt động trong lĩnh vực phân phối đệm và các giải pháp giấc ngủ qua hình thức bán hàng trực tiếp và bán hàng trực tuyến.
Áp lực thay đổi
Những thương vụ trên cho thấy, các quỹ đầu tư cũng như các DN nước ngoài đã chọn cách mua cổ phần các DN tại Việt Nam để nhanh chóng củng cố vị thế mà không cần trải qua bước xây dựng thương hiệu tại thị trường đầy tiềm năng này.
Chia sẻ về cơ hội của DN khi nhận được những nguồn vốn lớn, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Vua Nệm cho biết, Mekong Capital là nhà đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết với kinh nghiệm đầu tư dài hạn vào các chuỗi bán lẻ hàng đầu như Thế giới Di động và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Vì thế, với sự hợp tác chiến lược này, DN đã được tiếp cận mô hình tạo giá trị đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng cũng như các hoạt động thực tiễn thành công trong ngành bán lẻ. Theo đó, khoản đầu tư này sẽ giúp DN sáp nhập hai thương hiệu Dem.vn và Vuanem.vn thành một thương hiệu duy nhất là Vua Nệm, xây dựng hệ thống thương mại điện tử hoàn toàn mới, mở rộng đến 300 cửa hàng trên cả nước vào năm 2022.
Tuy nhiên, rõ ràng là cơ hội sẽ đi cùng thách thức, khi thị trường đi lên thì áp lực cạnh tranh sẽ rõ nét hơn, buộc các DN dù được đầu tư hay không đầu tư phải đổi mới. Theo đó, các DN nội như Thế giới Di động hay FPT Shop đang tìm cách gia tăng thị phần bán hàng online bằng cải thiện chất lượng dịch vụ giao hàng, lắp đặt và bảo hành nhờ lợi thế hệ thống cửa hàng có độ phủ cao; trong khi các DN được đầu tư như Lazada, Tiki hay Shopee đã chọn cạnh tranh về giá bán cũng như đầu tư lớn cho marketing… Như vậy, người hưởng lợi nhất chính là người tiêu dùng khi nhận được dịch vụ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, công nghệ hiện đại nên việc mua sắm ngày càng dễ dàng, thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng cho thương mại điện tử.
Nhìn chung, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực phát triển của các DN, cần tới sự vào cuộc để gỡ bỏ những rào cản còn tồn tại của lĩnh vực này như: Thói quen người tiêu dùng, công nghệ chưa cao, cơ sở pháp lý… để hoàn toàn “cởi trói”, tạo thành sự phát triển bài bản cho các DN lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo Báo Hải quan