Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần lấy chất lượng tăng trưởng làm thước đo để xuất khẩu nông lâm thủy sản phát triển bền vững.
Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại
Ông đánh giá như thế nào về con số 41,2 tỷ USD mà kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt được trong năm qua?
– Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và nền kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng nông dân, DN và toàn ngành nông nghiệp vẫn cố gắng trong sản xuất, phân phối để đạt kim ngạch xuất khẩu 41,2 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm 2019. Đây là thành quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong năm 2021, ngoại thương còn khó khăn nhiều hơn so với năm 2020, khi mà dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia là những thị trường nhập khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Trong tình hình bất lợi này, Việt Nam phải có những biện pháp, kế hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa so với năm 2020.
Ông có khuyến nghị nào dành cho các DN, hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước để vượt khó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông thủy sản?
– Trước hết, cần phải tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các quốc gia trên thế giới để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Cùng với đó, duy trì và tăng cường điểm mạnh Việt Nam đó là: Khi cả nền nông nghiệp trên thế giới bị co cụm lại do chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn thì ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển tốt, tăng trưởng cao. Đáng lưu ý, nông sản là sản phẩm rất thiết yếu đối với con người.
Trong bất cứ bối cảnh nào, nền kinh tế phát triển thịnh vượng hay là nền kinh tế suy giảm thì con người luôn có nhu cầu về ăn uống. Hơn nữa, trong tình thế khó khăn, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với một số mặt hàng thế mạnh như thủy sản, cà phê, hồ tiêu, gạo. Với một vị trí quan trọng trên thị trường thế giới, Việt Nam cần phải tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại.
Những quy định của Hiệp định thương mại rất phức tạp nên không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước mà nông dân, DN, Hiệp hội cũng cần phải hiểu rõ những quy định này. Tôi lấy ví dụ, có những quy định mà chỉ có nhà nông mới đáp ứng được như vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đánh bắt thủy sản ngoài khơi hợp pháp… Do vậy, nhà nông phải hiểu cặn kẽ và tuân thủ quy định của các Hiệp định thương mại thì các mặt hàng nông thủy sản Việt Nam mới duy trì được vị trí trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Một vấn đề tôi thấy còn thiếu ở Việt Nam đó là mối liên kết giữa nông dân, DN, hiệp hội vẫn rất rời rạc. Cần phải coi mối liên kết này là hệ sinh thái nông sản (bao gồm nuôi trồng, khai thác, chế biến, phân phối, marketing, xuất khẩu) và nằm trong một chuỗi giá trị. Tất cả các thành phần trong hệ sinh thái nông sản phải liên kết chặt chẽ với nhau, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đưa ra một chiến lược phát triển chung. Theo đó, tất cả các thành phần trong hệ sinh thái tham gia với trách nhiệm cao nhất để hoàn thành mục tiêu chung. Tôi nghĩ các Hiệp hội, DN, nông dân, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có sự gắn kết mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021 để định hình được thị trường một cách rõ ràng, định hình tổ chức sản phẩm một cách hệ thống, bài bản.
Nhà nông cần chính sách hỗ trợ tài chính
Theo ông, đâu là điểm yếu của mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cần phải khải khắc phục?
– Vấn đề đặt ra lúc này là Chính phủ cần có chương trình về tài chính để hỗ trợ nhà nông, bởi nhà nông là thành phần quan trọng nhất trong duy trì sự phát triển của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì vấn đề hỗ trợ tài chính rất quan trọng. Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi vẫn thấy có sự kêu gọi rất mạnh mẽ thế nhưng sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ nông dân còn rất hạn chế. Chính phủ cần phải xem xét thành lập một tổ hợp tín dụng, yêu cầu tất cả các ngân hàng tham gia vào tổ hợp tín dụng này. Hình thức như một ngân hàng lớn, sẽ lựa chọn những khách hàng nào có khả năng vay được. Và mỗi lần khách hàng vay, các ngân hàng phải nộp tiền vào để giải ngân.
Mặt khác, những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU đang tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid – 19. Do đó, chúng ta phải đi tìm các thị trường mới để mở rộng thị phần của Việt Nam trên thế giới. Chúng ta không nên chỉ dựa vào các Hiệp định thương mại cấp cao đã ký kết bởi mặc dù đây là những thị trường “béo bở” nhưng khó thâm nhập do hàng loạt các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá… Điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam có bán hàng được hay không? Tăng trưởng xuất khẩu được hay không là ở chất lượng mặt hàng, sản phẩm của chúng ta. Vì vậy, mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, đóng gói, mẫu mã đúng quy định, chất lượng sản phẩm phải đồng nhất và có tính ổn định.
Cũng cần nói thêm, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là gạo, cà phê, hồ tiêu với vị trí tốp đầu của thế giới nhưng nhiều sản phẩm vẫn yếu về thương hiệu. Do đó, việc đẩy mạnh thương hiệu không thể trông chờ vào nhà nông hay DN xuất khẩu mà phải coi là công việc của Chính phủ.
Vậy, đâu là những rào cản mà các DN xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam cần được tháo gỡ?
– Các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam sẽ rất vất vả trong chặng đường chiếm thị phần thị trường thế giới nếu không được hỗ trợ về logistics (vận chuyển hàng hóa). Với nông sản phải được vận chuyển bằng đường hàng không, đường tàu biển sao cho nhanh nhất, bởi nông sản là loại hàng hóa khó có thể để lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Về mặt thị trường, bên cạnh tập trung vào các thị trường khó tính trong các Hiệp định thương mại đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP, cần phải mở rộng thị trường hơn nữa để phòng ngừa hễ thị trường này khó khăn thì còn có thị trường khác để bán hàng. Về mặt chính sách, Chính phủ cần có chính sách tài chính để hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông dân để họ vượt qua thời điểm khó khăn lúc này. Đặc biệt là cần phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số, bán hàng online (trực tuyến) để có thể đưa hàng nông thủy sản vươn ra thế giới.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Ông nhận định như thế nào về tác động của Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và thực thi đối với xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam trong thời gian tới?
– Về mặt tích cực, chúng ta càng mở rộng thị trường, càng có nhiều Hiệp định thương mại thì tạo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân thủ nhiều hơn nữa các quy định của các Hiệp định thương mại về pháp lý, y tế, logistic, cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam tham gia thị trường đương đầu với những người khổng lồ và trong đó có Trung Quốc, đây không phải là điều dễ dàng.
Hàng hóa Việt Nam sẽ cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc, Ấn Độ là những nhà sản xuất, xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số sản phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh. Chính vì thế, tham gia RCEP không chỉ mở cho Việt Nam một chân trời mới mà còn mở ra một môi trường cạnh tranh rất khốc liệt. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, Việt Nam có thể thắng hoặc có thể thua. Thực thi Hiệp định, Việt Nam phải ưu đãi những mặt hàng nhập khẩu từ các nước trong RCEP lại là những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Ông có lạc quan với mục tiêu này không?
– Theo tôi không có giới hạn nào cho mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, hai điều mà tôi quan tâm là chất lượng của tăng trưởng. Cụ thể, 42 tỷ USD là bán cho thị trường nào? Và bán với giá nào? Thứ hai là cái giá của tăng trưởng. Nghĩa là chúng ta nhắm vào con số 42 tỷ USD hoặc có thể vượt mục tiêu cao hơn thế nhưng môi trường bị phá hoại hay đánh bắt các loài thủy sản mà thế giới đang tìm cách bảo vệ thì con số tăng trưởng không còn ý nghĩa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Chính phủ cần rà soát tổng thể tất cả các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết, thực thi để tránh sự chồng chéo, tránh tình trạng tuân thủ quy định Hiệp định thương mại này nhưng lại đi ngược lại với quy định Hiệp định thương mại khác. Việc rà soát cần toàn diện để đưa ra hoạch định chính sách, sách lược về ngoại thương nhằm sớm đề phòng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể bị “trói chân” bởi những quy định của Hiệp định thương mại.” – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |