Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng năm 2021 đạt khoảng 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm và đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng tăng mạnh với giá trị đạt 24,7 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020.

NỖ LỰC KẾT NỐI, TIÊU THỤ NÔNG SẢN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm đến nay, Bộ  đã nỗ lực đồng hành với các địa phương kết nối, tiêu thụ và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt những loại trái cây có vụ thu hoạch ngắn, sản lượng lớn, yêu cầu phải tiêu thụ nhanh, như: vải, nhãn tại Sơn La; vải tại Hải Dương, Bắc Giang; nhãn Hưng Yên, khoai lang tại Vĩnh Long; xoài, ớt tại Đồng Tháp, na Chi Lăng…

Bộ cũng đã hỗ trợ, kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,…

Đồng thời, thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản ra nhiều quốc gia; kết nối xuất khẩu nông sản (đặc biệt: vải, nhãn) sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,

Đối với sản xuất, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực vẫn tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước.

Trong 7 tháng năm 2021, cả nước đã thu hoạch 6,5 triệu ha lúa; sản lượng đạt 23,7 triệu tấn; sản lượng rau đạt trên 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%, đảm bảo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về chăn nuôi, trong 7 tháng qua, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển mạnh. Theo đó, đàn bò tăng khoảng 2,3%; đàn lợn tăng 6,1%; đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch 7 tháng đạt trên 4.900 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1%; nuôi trồng 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng ước đạt 9.495,6 nghìn m3 , tăng 5,5%.

XÂY DỰNG “LUỒNG XANH”, “VÙNG XANH” CHO NÔNG SẢN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong 5 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 sẽ còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên-vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong 7 tháng năm 2021, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính  đạt 315,2 tỷ USD, tăng 54,8%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 11,3%; nhóm hàng thủy sản khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 19,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 42,5%; nhóm vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 32,9%.

Trong khi đó, sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: xoài 40 nghìn tấn; chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 5 nghìn tấn, khóm (dứa) 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn…

Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới dẫn đến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,…) bị hạn chế, dẫn đến giá tăng liên tục.  

Hiện thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa: Tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam. Do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu bị kéo dài.

Đồng thời phía nước bạn tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu. thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh Covid 19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xảy ra ùn ứ cục bộ.

Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt gãy, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn.

Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn lưu động tồn do ứ đọng hàng hóa.

Cả nước hiện có 48 kho lạnh công suất lớn làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm.

Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với tình hình hiện nay, không để xảy ra cung vượt cầu, đồng thời đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.

Các đơn vị thuộc Bộ phải theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá.

Tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh, thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động.

Đồng thời, cần thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn.