Xuất khẩu rau quả sang thị trường chủ đạo Trung Quốc sụt giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 171,24 triệu USD, chiếm 73,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Rau quả xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á cũng giảm 24,7%, đạt 21,21 triệu USD, chiếm 3,6%. Xuất khẩu sang thị trường EU lại tăng rất mạnh 44,21%, đạt 21,46 triệu USD, chiếm 3,7%. Bên cạnh đó, rau quả xuất sang Hàn Quốc cũng tăng tương đối tốt 41,7%, đạt 18,66 triệu USD, chiếm 3,2%.
Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang phần lớn các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đáng chú ý nhất là thị trường Italia tăng vượt trội 389%, đạt 2,44 triệu USD; Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tăng mạnh ở các thị trường như: Indonesia tăng 89,4%, đạt 0,16 triệu USD; Kuwait tăng 87,3%, đạt 0,83 triệu USD; Australia tăng 51,6%, đạt 6,41 triệu USD.
Tuy nhiên, rau quả xuất khẩu sụt giảm mạnh ở một số thị trường như: Nga giảm 48,7%, đạt 2,38 triệu USD; Thái Lan giảm 39,4%, đạt 7,56 triệu USD; Malaysia giảm 35,6%, đạt 5,49 triệu USD.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tuy đạt kim ngạch cao nhưng chưa thực sự bền vững và chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy làm hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực thông qua đầu tư cho kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại…để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
Hiện nay xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu vẫn còn qua đường tiểu ngạch với quy mô nhỏ lẻ, không ổn định về thị trường, do đó, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ứ đọng tại các cửa khẩu, rớt giá thảm hại.
Theo thống kê có đến 60% – 70% nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong lĩnh vực trái cây, hiện chỉ có một số loại quả được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là dưa hấu, thanh long, chuối, vải, mít, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng… còn lại, đa số xuất khẩu tiểu ngạch, kể cả một số loại trái cây có lượng xuất khẩu khá lớn như bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu.
Bản chất thực sự của con đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng. Bản thân các doanh nghiệp Việt chưa hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, thiếu thông tin và chưa chủ động khai thác thị trường này.
Bên cạnh đó, lâu nay hình thức xuất khẩu này thường không chú ý truy xuất nguồn gốc của hàng hóa nên việc xây dựng thương hiệu, nhãn hàng khi xuất khẩu dường như không có; chất lượng sản phẩm không đồng đều, sức cạnh tranh kém, năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác còn hạn chế… Nếu cứ tiếp diễn con đường xuất khẩu tiểu ngạch thì DN Việt, hàng hóa Việt sẽ không có tên tuổi, vị trí cũng như sự phát triển trong tương lai tại thị trường Trung Quốc.
Điều đáng nói nữa là, xuất khẩu tiểu ngạch thì sự ràng buộc pháp lý giữa bên mua và bên bán rất lỏng lẻo, chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi có kiện tụng, DN xuất khẩu nước ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát.
Nhận định về thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, trong lựa chọn hàng nông sản, người tiêu dùng Trung Quốc không còn đặt giá cả là ưu tiên số một như trước đây. Thay vào đó, thị trường này đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chí nhất định về khâu chế biến và gia công của sản phẩm nông sản. Do đó, quan trọng nhất là DN Việt cần phải đầu tư cho kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại trong chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật,…đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, DN xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác tiếng Trung Quốc và chế định ra các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông sản của mình.
Vấn đề quan trọng nữa là DN Việt cần thay đổi tư duy làm ăn, hướng đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch. Hiện nay, Chính phủ 2 nước thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Tất nhiên, khi đi bằng con đường chính ngạch, DN sẽ vướng phải nhiều rào cản kỹ thuật, song đây cũng là giải pháp để xuất khẩu hiệu quả, bền vững, tránh rủi ro nên DN buộc phải nỗ lực.
Xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2019
ĐVT: USD
Thị trường | T2/2019 | +/- so với tháng 1/2019 (%)* | 2T/2019 | +/- so với cùng kỳ năm trước (%)* |
Tổng kim ngạch XK | 231.680.164 | -34,73 | 585.498.165 | -9,87 |
Trung Quốc | 171.238.278 | -33,52 | 428.044.578 | -14,74 |
Mỹ | 6.940.322 | -44,67 | 19.478.616 | 5,41 |
Hàn Quốc | 7.094.186 | -39,04 | 18.655.451 | 41,67 |
Nhật Bản | 6.639.013 | -34,98 | 16.857.279 | -3,51 |
Hà Lan | 4.176.304 | -41,45 | 11.308.493 | 42,09 |
Thái Lan | 2.188.510 | -59,28 | 7.563.318 | -39,44 |
U.A.E | 2.305.390 | -44,74 | 6.470.513 | 2,69 |
Australia | 2.067.269 | -52,42 | 6.412.302 | 51,57 |
Malaysia | 2.386.670 | -23,14 | 5.491.471 | -35,6 |
Singapore | 1.907.858 | -38,99 | 5.030.848 | 0,06 |
Pháp | 1.937.288 | -23,84 | 4.463.558 | 15,43 |
Đài Loan(TQ) | 1.746.652 | -29,79 | 4.234.464 | -0,69 |
Hồng Kông (TQ) | 1.238.796 | -42,6 | 3.395.801 | 25,53 |
Canada | 1.280.251 | -30,44 | 3.108.836 | -11,42 |
Lào | 1.135.629 | -23,74 | 2.620.557 | 47,13 |
Italia | 673.211 | -62 | 2.444.799 | 388,95 |
Đức | 640.369 | -64,63 | 2.442.244 | 35,87 |
Nga | 833.293 | -45,26 | 2.378.569 | -48,69 |
Kuwait | 49.113 | -93,71 | 830.099 | 87,26 |
Anh | 311.458 | -36,91 | 805.137 | 5,88 |
Campuchia | 172.672 | 3,25 | 339.906 | 27,62 |
Ukraine | -100 | 169.895 | 10,65 | |
Indonesia | 74.365 | -17,73 | 164.757 | 89,38 |
(*Tính toán từ số liệu của TCHQ)
Vinanet