Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí trong quý I, đặc biệt là tháng 3/2022, theo ghi nhận của Cục Thống kê TP.HCM là, dần dần trở nên nhộn nhịp, học sinh, sinh viên các trường học đi học trực tiếp trở lại.
THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM ghi nhận, hoạt động thương mại dịch vụ của Thành phố đang trên đà phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, người dân quay trở lại thành phố làm việc, thích nghi với tình hình dịch hiện nay. Tâm lý e ngại dịch bệnh như trước đây cũng dần thay đổi.
Theo nhận định của Cục Thống kê Thành phố, trong tháng 3/2022, nhiều đơn vị kinh doanh đã triển khai các chính sách kích cầu trên nhiều phương tiện điện tử, kênh mua hàng trực tuyến, trực tiếp tại cửa hàng nhằm thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, diễn biến giá cả thị trường ở một số nhóm ngành hàng như xăng dầu, sắt thép, vàng bạc, nguyên liệu sản xuất… có nhiều biến động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 dự ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ; ngành lưu trú và ăn uống tăng 7,8% so với tháng trước và giảm 5,8% so với kỳ.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thành phố dự báo sẽ có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3, doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này ước tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Tính cả quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ do lộ trình mở cửa hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 diễn ra vào các tháng đầu năm 2022 như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, du lịch… Vì vậy, doanh thu ở các ngành này vẫn còn hạn chế trong quý 1/2022.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, sở dĩ tính cả quý có tỷ lệ giảm, vì ngoài thu nhập và thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi, thì tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, Thành phố dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.
Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, ước tính quý 1/2022, thị trường bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Thành phố có những tín hiệu tích cực, duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu ước đạt 161.343 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3 ước đạt 5.764 tỷ đồng, tăng 7,8% so với tháng 02 nhưng giảm nếu tính chung cả quý.
Ước tính cả quý 1, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 15.810 tỷ đồng, giảm 22,4% so cùng kỳ. Ghi nhận cho thấy, liên tiếp qua các tháng 1, 2, 3 của quý I/2022, doanh thu ở nhóm ngành này tháng sau đều có mức tăng khá so với tháng trước. Mặc dù chưa khôi phục được so với cùng kỳ năm 2021, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng tại TP.HCM rất cao cũng như người dân đã thích nghi với dịch Covid-19 nên hầu như các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, lưu trú đã và đang dần khôi phục trở lại.
XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Về xuất khẩu, ước tính tháng 3/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.585,5 triệu USD, tăng 42,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.428,8 triệu USD, tăng 44,7%.
Tính riêng tại Thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng tại TP.HCM gồm cả dầu thô, trong tháng 3/2022 đạt 3.917,7 triệu USD, tăng 40,2% so với tháng trước.
Lũy kế cả quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 11.878,6 triệu USD, tăng 3,5% so cùng kỳ (xuất khẩu không tính dầu thô đạt 11.427,4 triệu USD, tăng 0,9%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố bao gồm cả dầu thô, quý I đạt 10.315,6 triệu USD, tăng 0,2% so cùng kỳ. Khu vực kinh tế FDI chiếm tỷ trọng cao nhất: 6.522,5 triệu USD, giảm 9,9%. Kế đến là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.228,7 triệu USD, tăng 16,1%. Khu vực kinh tế nhà nước có tỷ lệ thấp nhất: đạt 564,4 triệu USD, tăng 107,9%.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu qua các cảng Thành phố trong quý 1, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 7.432,3 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 75,3%; tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt – may, giày dép, máy móc – trang thiết bị khác. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Thành phố với kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 đạt 2.523,3 triệu USD, chiếm 24,5% tỷ trọng xuất khẩu. Kế đến theo thứ tự là Hoa Kỳ, tỷ trọng 16,2%; Nhật Bản, tỷ trọng 6,8% và Hong Kong tỷ trọng 6,3%.
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố trong tháng 3 tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 6.765,1 triệu USD, tăng 30,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua các cảng của Thành phố đạt 5.318,3 triệu USD, tăng 30,6% so với tháng trước.
Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 17.382,5 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng Thành phố đạt 14.035,3 triệu USD, tăng 14,7% so cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM tăng trong tháng 3, trong quý 1 và tăng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý 1, là do kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 25,9% so với tháng 02/2022 và tăng 5,5% so cùng kỳ. Tính chung cả quý 1, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 1,0% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.
Cụ thể, trong các nhóm hàng nhập khẩu của Thành phố, nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất là nguyên nhiên vật liệu, đạt 4.199,5 triệu USD, tăng 1,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,9% giá trị nhập khẩu. Kế đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 8.120,0 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm tỷ trọng 57,9%. Đây là những nhóm hàng phục vụ sản xuất công nghiệp đang hồi phục và tăng trưởng trở lại của TP.HCM.
Kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM tăng trong tháng 3, trong quý 1 và tăng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý I, là do kinh tế TP.HCM phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 25,9% so với tháng 02/2022 và tăng 5,5% so cùng kỳ. Tính chung cả quý I, IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 1,0% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,2%.
Nguồn: VnEconomy